Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở Nhà Trắng ngày 7/6/2016. Ảnh: AFP.

Tổng thống Obama đã chào đón Thủ tướng Modi bằng một cái ôm ấm áp, cho rằng sự hợp tác giữa 2 trong số các nền dân chủ lớn nhất thế giới là việc "tự nhiên". Chuyến thăm này của Thủ tướng Ấn Độ được xem là một dấu hiệu mang tính biểu tượng trong mối quan hệ Mỹ-Ấn, một bước tiến dài của cả 2 nước.

Theo tin từ AFP, trong cuộc họp, 2 nhà lãnh đạo cũng đã hoàn tất các thỏa thuận về hậu cần quân sự và chia sẻ "thông tin kiểm tra khủng bố".

Một tuyên bố chung sau cuộc họp công bố rằng "mối quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn đã được neo giữ ổn định". Đồng thời, hai bên cũng đã đạt được bước tiến lớn trong việc hợp tác an ninh mạng tốt hơn mà theo nhận định của các chuyên gia chính là vấn đề rất quan trọng để bảo vệ công nghệ thông tin bên ngoài nước Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ Mỹ-Ấn Độ đã bị bao vây bởi tình trạng chiến tranh lạnh kéo dài và do việc phát triển bí mật một quả bom hạt nhân của Ấn Độ.

Năm 2005, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush bắt đầu làm tan băng quan hệ bằng cách dỡ bỏ một lệnh cấm kéo dài suốt 3 thập niên trong việc hợp tác hạt nhân với Ấn Độ. Tổng thống đương nhiệm Obama sau đó đã tiến một bước xa hơn nữa, khi thúc giục các cường quốc hạt nhân tiếp nhận lại Ấn Độ vào một nhóm các quốc gia được phép kinh doanh vật liệu hạt nhân nhạy cảm.

Sự hỗ trợ này có khả năng sẽ gây chú ý với Bắc Kinh, khi nước này coi Ấn Độ là một đối thủ tiềm năng trong khu vực và mối quan hệ gần gũi hơn giữa Ấn Độ và Mỹ là một thách thức tiềm năng đối với nước này.

Bên cạnh đó, AFP cho biết, Tổng thống Obama cũng ca ngợi thỏa thuận của công ty Mỹ Westinghouse khi sẽ xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ.

Bảo Nghi (Lược dịch từ AFP & CNA)