Nghi ngại từ nuôi cá trên hồ Khe Lời

Khe Lời (thuộc địa bàn xã Thủy Phù) là một trong số 75 hồ chứa thủy lợi đã được Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khảo sát vào năm 2012 về tiềm năng nuôi cá nước ngọt. Theo đó, trong đề án “Phát triển nuôi các đối tượng nước ngọt ở hồ chứa thủy lợi, thủy điện giai đoạn 2015-2020” được chi cục xây dựng, thì hồ Khe Lời được tính nuôi cả thủy sản lẫn nuôi sinh thái. Quy mô khoảng 80 lồng (25-60m3/lồng), với các đối tượng chủ yếu, như: ba sa, diêu hồng, rô phi, trắm cỏ…

Một nhánh sông Phù Bài

Thực tế, trên hồ Khe Lời, năm 2013, ông Nguyễn Văn Bình (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) đã hợp đồng thuê mặt nước với Công ty TNHH NN MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế. Từ đó đến nay, ông Bình đã đầu tư nuôi cá lồng và cá thả tự nhiên đạt hiệu quả kinh tế cao. Quy mô nuôi của ông Bình đang ở mức hơn 50 lồng (36m2/lồng), chủ yếu các loại: cá rô, chép, trắm, lóc.

Sau khi có ý kiến của cử tri xã Thủy Phù về việc cá nuôi trên hồ Khe Lời bị chết, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng hạ nguồn, đầu tháng 5 vừa qua, thị xã Hương Thủy đã lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra thực địa, gồm đại diện: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và chính quyền xã Thủy Phù. Kết quả cho thấy, tình trạng cá chết hàng loạt trên hồ Khe Lời mới diễn ra một lần vào thời điểm tháng 8/2015, số lượng 2% (5 tạ/25 tấn). Nguyên nhân cá chết, theo ông Lê Diêm Sơn (Trạm trưởng Trạm Châu Sơn - Phú Bài), là do lượng nước xả tưới tiêu lớn, gây hụt nước trong hồ, trong khi mật độ nuôi dày đặc làm cá nuôi trong lồng bị ngạt.

Ông Nguyễn Văn Bình, chủ hộ nuôi cá nói: “Thời điểm cá chết nhiều, sáng nào chúng tôi cũng kiểm tra, vớt ngay lập tức và cho bà con xung quanh làm thức ăn chăn nuôi, không để cá chết tự hủy trong nước”. Tham gia đoàn kiểm tra, ông Tô Văn Toản, đại diện chính quyền xã Thủy Phù cho biết: 98% người dân xã Thủy Phù đã được cung cấp nước máy trong sinh hoạt nên nói việc nuôi cá trên hồ Khe Lời ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là chưa thỏa đáng lắm.

Theo ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Thủy, phòng đã báo cáo kết quả kiểm tra cho UBND thị xã, trong đó có đề nghị Công ty TNHH NN MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi phối hợp với chủ hộ nuôi thủy sản lập hồ sơ đăng ký Đề án bảo vệ môi trường theo quy định và lấy mẫu nước để phân tích. Sau khi có kết quả, UBND thị xã có thông tin rộng rãi đến cử tri trong cuộc họp HĐND sớm nhất.

Kiểm soát nước thải công nghiệp

Nhiều năm nay, dòng sông Phù Bài nhánh đi qua khu công nghiệp Phú Bài là nỗi lo của bà con nhân dân trong khu vực do tình trạng chất lượng nước sụt giảm, xảy ra 1-2 đợt cá chết hàng loạt/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, trên nhánh sông này chưa xảy ra hiện tượng cá chết với số lượng lớn. So sánh từ thời điểm cá chết khoảng tháng 8/2015 đến nay, bà Ngô Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho biết: Có thể tình trạng lén xả thải trực tiếp ra môi trường của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp Phú Bài đã khắc phục nên hiện tượng cá chết trên sông chưa bị tái diễn.

Theo quan sát của chúng tôi, tại thời điểm này, nước sông Phù Bài đang cao, thời tiết cũng chưa vào kỳ cao điểm khô hạn nên chưa có hiện tượng nước chuyển đen, bốc mùi và cá, tôm nổi chết trên sông. Tuy nhiên, cùng với nỗi lo lắng về chất lượng nước “đến hẹn lại đen và hôi thối”, bà con xã Thủy Phù không còn yên tâm sử dụng nước sông sinh hoạt, giặt rửa. Dọc theo con nước nhiều hộ gia đình ven sông đặt rớ đón bắt cá, nhưng sản phẩm thu về không được tin dùng trong những bữa cơm của gia đình mà chỉ làm thức ăn cho gà, heo trong chuồng. Cải thiện và đảm bảo chất lượng nước sống Phù bài trên các nhánh sông là mong mỏi của người dân trong xã và đã nhiều lần được kiến nghị trong các cuộc tiếp dân, tiếp xúc cử tri trên địa bàn.

Dịp này, một lần nữa chúng tôi xin chuyển ý của ông Đặng Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh, về vấn đề này: Để tình trạng ô nhiễm trên sông Phù Bài được giải quyết triệt để, việc quan trọng là kiểm soát tốt nguồn nước xả từ KCN Phú Bài phía đầu nguồn dòng sông. Đây là việc khó, không phải ngành nào cũng đủ điều kiện để làm được nên cần những cơ quan chức năng quan tâm thêm. Thêm vào đó, thị xã Hương Thủy nên tiếp tục tạo điều kiện để tăng số lần xả nước qua đập Cam Thu (đập thủy lợi trên sông), tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông trong điều kiện cho phép đủ nước cho tưới tiêu.

ĐỒNG VĂN