Chị Đỗ Thị Mỹ thu hoạch hái nấm

Từ Tổ hợp tác sản xuất nấm rơm

Khuôn viên rộng lớn của nhà chị Đỗ Thị Mỹ, thành viên Tổ hợp tác sản xuất nấm rơm Phú Hồ (thôn Di Đông 2, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) được chất đầy rơm. Cạnh hiên nhà, mẹ con chị Mỹ đang cần mẫn hoàn tất công đoạn cấy meo để chuẩn bị làm vòm nấm mới. Trong cái nắng gay gắt, khuôn mặt ai cũng lấm mồ hôi, nhưng ánh mắt thì rạng rỡ. Chị Mỹ hồ hởi: “Tui vừa bán 25 kg nấm, bữa ni giá cao nên thu được hơn 2 triệu đồng”. Gia đình chị Mỹ làm nấm từ hơn 10 năm nay. Năm 2015, khi Hội LHPN tỉnh về khảo sát thành lập Tổ hợp tác sản xuất nấm rơm chị Mỹ liền đăng ký tham gia. Sẵn có kinh nghiệm, lại được Hội LHPN hỗ trợ tiền vật liệu, hai vòm nấm của gia đình chị Mỹ liên tiếp thu hoạch với năng suất cao. Vừa làm nấm vừa làm ruộng lại chăn nuôi thêm nên gia đình chị Mỹ không chỉ đủ ăn đủ mặc mà còn có của ăn của để.

Không riêng chị Mỹ, những ngày này, các thành viên của Tổ hợp tác sản xuất nấm rơm Phú Hồ đều tất bật với việc ủ rơm, đạp rơm, cấy meo… để kịp có nấm bán vào ngày rằm. Vừa dẫn tôi đi tham quan 2 vòm nấm của gia đình, Nguyễn Thị Hạnh vừa chia sẻ: Trước đây không có điều kiện xây vòm làm nấm, tất cả các khoản chi tiêu trong nhà chỉ nhờ vào mấy sào ruộng, nhiều lúc không đủ phải chạy quanh vay mượn. Khi được giới thiệu vào tổ hợp tác làm nấm rơm của hội phụ nữ, tôi từng bước áp dụng những kiến thức được trang bị vào làm nấm. Nhờ vậy, trung bình mỗi tháng 2 vòm nấm cho thu nhập trên 1 triệu đồng. “Có thêm thu nhập đắp đổi trong chi tiêu nên cuộc sống đỡ vất vả”.

Chị Trương Thị Chiến, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Di Đông 2, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nấm rơm Phú Hồ cho biết: 30 thành viên trong tổ đều có kinh nghiệm, kỹ thuật làm nấm, cần cù, chịu khó, nhưng thiếu vốn sản xuất. Mỗi thành viên được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ nguyên liệu làm 2 vòm nấm rơm. Mỗi thành viên mỗi tháng đóng 100 ngàn đồng. Số tiền này dành cho những thành viên khó khăn vay với lãi suất thấp để chi phí cho các buổi sinh hoạt hay thăm nom khi các thành viên đau ốm. Qua gần 1 năm đi vào hoạt động, trung bình mỗi thành viên có thêm thu nhập từ nấm rơm khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng.

Nhiều mô hình tổ hợp tác được tiếp sức

Không chỉ có mô hình Tổ hợp tác làm nấm rơm Phú Hồ, thông qua Đề án 295, Tổ hợp tác Mây tre đan Bao La (Quảng Phú) và Tổ hợp tác sản xuất nước mắm Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền cũng được Hội LHPN tỉnh thành lập, giúp hàng trăm hội viên có việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập. Chị Nguyễn Thị Nguyên, Tổ trưởng Tổ hợp tác Mây tre đan Bao La cho biết, Hợp tác xã Bao La có gần 100 xã viên, đa phần là nữ. Tuy nhiên, do tay nghề thấp, hầu hết các chị chỉ đảm nhận những khâu đơn giản, làm những mẫu mã bình dân nên ngày công thấp. Năm 2013, Trung tâm Giới thiệu việc làm và dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 150 triệu đồng thành lập Tổ hợp tác Mây tre đan Bao La (thuộc Hợp tác xã Mây tre đan Bao La), mở lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho các nữ xã viên, hỗ trợ mua 2 máy chẻ tre, 1 máy cưa, 1 máy mài... Năng suất lao động của nữ xã viên được nâng cao, nhiều chị tự làm ra được nhiều sản phẩm có độ tinh xảo như đèn ngủ, đèn lồng các loại, giỏ, hoa sen trang trí... “Được Hội LHPN tỉnh tiếp sức, phụ nữ chúng tôi khẳng định được năng lực trong công việc, thu nhập tăng từ 1 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng mỗi người/tháng”, chị Nguyên nói.

Chị Đỗ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm và dạy nghề Hội LHPN tỉnh cho biết: Cùng với việc đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, việc hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác phụ nữ phát triển kinh tế là mô hình rất phù hợp với các địa phương, nhất là địa phương có nghề truyền thống. Nó vừa tạo việc làm tại chỗ cho hội viên phụ nữ, vừa góp phần phát huy giá trị làng nghề. Thông qua các hoạt động phong trào, Hội LHPN tỉnh cũng tranh thủ giúp các tổ hợp tác giới thiệu sản phẩm đến các cấp hội phụ nữ, các ban ngành, đoàn thể, các tiểu thương, các đơn vị doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…

Hải Thuận