Ông Bùi Thanh Dũng

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ em đuối nước, trong đó có 3 nguyên nhân cơ bản: Thiếu sự quan tâm trong trang bị kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em; gia đình thiếu sự giám sát và một số nơi thiếu biển hiệu cảnh báo vùng nước sâu, vùng nước nguy hiểm; công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước chưa thường xuyên.

Để trẻ an toàn khi tiếp cận với môi trường sông nước, theo ông, cần lưu ý điều gì?

Trước hết, các em phải biết bơi, sau đó cần trang bị thêm một số kỹ năng phòng chống đuối nước để có thể giúp người khác. Đối với phụ huynh, cần chú ý đến các vật dụng đựng nước trong nhà như, xô, chậu, lu, vại…các vật dụng này phải có nắp đậy, tránh sự nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Đến vùng sông nước, trẻ cần có người lớn đi kèm, kể cả khi mưu sinh. Các phương tiện đường thủy phải đáp ứng các quy định về an toàn (có phao bơi, đăng kiểm của các cơ quan chức năng), tạo an toàn cho trẻ em khi tiếp cận với môi trường nước.

Mới đây, Đề án phổ cập môn bơi trong học đường không được phê duyệt, trong đó có lý do cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, có nhiều cách để dạy trẻ biết bơi chứ không nhất thiết phải phụ thuộc vào nhà trường, ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Phổ cập bơi cần có sự đồng ý của các ngành về mặt chủ trương, ngành giáo dục cần đề xuất đưa môn bơi vào chương trình học chính khóa và ngoại khóa. Trẻ em từ 10-12 tuổi nên học bơi. Theo tôi, muốn phổ cập bơi lội phải đảm bảo cơ sở vật chất, cụ thể là bể bơi và huấn luyện viên. Xây dựng bể bơi cho từng trường học rất khó bởi nguồn kinh phí khá lớn.

Trẻ em học bơi tại Trung tâm Thể thao dưới nước 

Lâu nay chúng tôi thường đến các huyện làm các bể bơi đơn giản, giảng dạy các em theo chương trình tuyển vận động viên cho tỉnh. 15 năm qua, mỗi năm chúng tôi dạy bơi khoảng 300 em để tuyển đầu vào cho đội tuyển bơi. Hàng năm, được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao), chúng tôi mở các lớp hướng dẫn viên cứu hộ, cứu đuối và dạy bơi cho trẻ em. Sau khi được trang bị kiến thức về dạy bơi, các hướng dẫn viên đến các trường học tổ chức dạy bơi.

Với vùng nông thôn, bể bơi được làm từ các thiết bị, dụng cụ sẵn có tại địa phương như, tre, tranh và dây thừng... quây quanh ở vùng sông nước có độ sâu vừa phải và có sự giám sát của các giáo viên, huấn luyện viên khi tổ chức điểm dạy bơi. Hàng năm, ngành thể dục thể thao thường có lớp dạy bơi nghiệp dư ở các huyện. Tại các cơ sở này, chúng tôi thường phối hợp với các tổ chức để dạy miễn phí cho các em hay phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh, tổ chức dạy bơi cho các em với mức học phí thấp…

Rất nhiều trường hợp trẻ đuối nước cùng nhau do chưa có kỹ năng xử lý, theo ông, nên bổ trợ kiến thức này cho trẻ như thế nào?

Các cấp, ban ngành như, Hội chữ thập đỏ, Hiệp hội thể thao dưới nước… đều có chuyên viên, bác sĩ có thể trang bị, hướng dẫn cho các em về kiến thức này. Với trường học, cần có những buổi lên lớp ngoài giờ để dạy cho các em các kỹ năng phòng chống đuối nước. Sông nước rất nhạy cảm và nguy hiểm đối với trẻ em, nên các bậc phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn kiến thức cho con em mình nhiều hơn. Các tổ chức xã hội nên thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở các em về các biện pháp phòng chống đuối nước.

Hiện đang có trào lưu cho trẻ học bơi, ông có lời khuyên nào đối với bậc cha mẹ khi cho con học bơi?

Tại Trung tâm Thể thao dưới nước Thừa Thiên Huế (số 2, Lê Qúy Đôn, TP Huế), từ nay đến tháng 9/2016 đều tổ chức khai giảng các khóa dạy bơi. Khóa 4 khai giảng vào ngày 13-14/6; khóa 5 khai giảng ngày 18-19/7; khóa 6 khai giảng ngày 22-23/8; khóa 7 khai giảng ngày 26/9. Với thời gian học 15 buổi/khóa, mức học phí 350 nghìn đồng/trẻ em dưới 14 tuổi và 450 nghìn đồng/người lớn 15 tuổi trở lên.

Ở Thừa Thiên Huế có nhiều cơ sở dạy bơi, đội ngũ hướng dẫn viên tại các bể bơi (ngoài các trung tâm dạy bơi lớn) thường do các giáo viên đảm nhận (giáo viên được tập huấn và có giấy chứng nhận chuyên ngành dạy bơi). Phụ huynh nên cho các cháu đến học tại các trung tâm uy tín, đảm bảo an toàn, có lực lượng cứu hộ, đội ngũ huấn luyện viên có chuyên môn. Ở Huế có một số bể bơi đạt tiêu chuẩn: Trung tâm Thể thao dưới nước, một số khách sạn... Hiện nay, các trung tâm có nhiều hình thức dạy như, dạy kèm, dạy theo yêu cầu, dạy bình thường đều đảm bảo chất lượng. Chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho trẻ học bơi quá sớm, nên bắt đầu từ 9 tuổi bởi dưới độ tuổi này, trẻ chỉ làm quen được với môi trường nước chứ chưa nhận thức được các kỹ năng hình thành các động tác chuẩn.

Kỹ năng sơ cứu người đuối nước rất quan trọng thêm cơ hội sống cho nạn nhân, ông có thể chia sẻ với độc giả những phương pháp và cách làm cần thiết?

Trường hợp đi một mình thấy người đuối nước, đầu tiên phải tìm phương tiện và vật nổi như sào và dây ném xuống nước cho nạn nhân. Nếu biết bơi nhưng không có kinh nghiệm cứu đuối, cứu không đúng phương pháp sẽ rất nguy hiểm, vì vậy cần gọi người hỗ trợ một cách nhanh nhất. Sau khi đưa được nạn nhân vào bờ nếu nạn nhân không thở thì tiến hành sơ cứu bằng cách hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực. Dùng miệng mình hít một hơi thật sâu thổi hơi vào miệng nạn nhân, làm liên tục hai lần, nếu nạn nhân chưa thở thì bắt buộc phải ép tim vào lồng ngực. Trẻ dưới 1 tuổi, chúng ta chỉ dùng 2 ngón tay; trẻ từ 1-8 tuổi dùng 1 bàn tay; trẻ em trên 8 tuổi dùng 2 bàn tay ép chồng lên để ép ở phần ức. Ép 15 nhịp sau đó hà hơi, thổi ngạt 2 lần, làm như vậy cho đến khi nạn nhân thở. Nếu nạn nhân không tỉnh cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Xin cảm ơn ông!

Ninh Thọ (thực hiện)