Đồng diễn trong lễ khai mạc HKPĐ tỉnh 2015

HKPĐ toàn quốc tổ chức bốn năm một lần nhằm đánh giá công tác giáo dục thể chất trong các trường phổ thông. Đây cũng là dịp phát hiện những học sinh có năng khiếu thể thao để có hướng bồi dưỡng, đào tạo nhằm góp sức vào thành công chung của nền thể thao nước nhà

Thầy Nguyễn Văn Việt Vũ – chuyên viên phụ trách giáo dục thể chất (Sở GD&ĐT) cho biết, lực lượng VĐV Huế tham dự HKPĐ toàn quốc 2016 đúng theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và UBND tỉnh. Tại HKPĐ khu vực, Thừa Thiên Huế đua tài ở 7 môn, giành được 9 HCV, 18 HCB, 16 HCĐ. Tại HKPĐ toàn quốc sắp tới Thừa Thiên Huế tham dự hơn 110 VĐV, dự tranh ở các môn: bóng bàn, cầu lông, đá cầu, điền kinh, bơi, bóng đá, cờ vua, vovinam, Karatedo và Teakwondo.

Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, một vài kỳ HKPĐ toàn quốc gần đây, việc mất công bằng trong thi đấu giữa các VĐV không là chuyện hiếm khi mà “bệnh” thành tích khiến nhiều tỉnh, thành đưa học sinh năng khiếu thể thao, VĐV trẻ “khoác áo” học sinh vào tranh tài với những VĐV vốn dĩ phần lớn thời gian chỉ biết cắm đầu vào sách vở.

Có thể nêu lên một vài ví dụ, như: VĐV bơi lội Hoàng Quý Phước tham dự HKPĐ 2004 trong màu áo Trường Năng khiếu thể thao Đà Nẵng, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tham dự HKPĐ Tp. Cần Thơ 2006 hay VĐV điền kinh Quách Thị Lan góp mặt tại HKPĐ tỉnh Thanh Hóa năm 2010…

Với những cái tên kể trên, có lẽ cũng không cần phải phân tích hay chỉ ra mức độ chênh lệch giữa họ và các VĐV vốn là học sinh bình thường. Và cũng từ sự không công bằng này đã khiến HKPĐ không thực hiện được mục đích đặt ra là hướng tới đối tượng học sinh phổ thông, phát triển phong trào TDTT, nâng cao thể chất trong giới học đường.

Đáng mừng, từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tại HKPĐ toàn quốc lần IX-2016, việc không công bằng trong thi đấu giữa các VĐV chuyên nghiệp và nghiệp dư không còn tồn tại, thay vào đó, những cuộc tranh tài trong ngày hội thể thao lớn nhất giới học đường sẽ trở về đúng bản chất, mục đích ban đầu.

HKPĐ toàn quốc lần IX-2016 tổ chức tại Thanh Hóa từ 20-28/7 và tại Nghệ An từ 1-10/8. Để các học sinh đang theo học tại các trường năng khiếu TDTT, các Trung tâm đào tạo VĐV góp mặt vào ngày hội thể thao học đường, Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức thi đấu theo dạng nâng cao cho 3 môn: bơi, điền kinh và cờ vua.

Ở góc độ nào đó, việc không cho VĐV năng khiếu dự thi, chắc chắn thành tích của một số tỉnh, thành sẽ đi xuống cũng như khiến những trận tranh tài bớt hấp dẫn bởi thiếu đi tính chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, ở mặt tích cực và hướng đến tương lai thì điều này sẽ giúp các VĐV là học sinh bình thường có cơ hội cạnh tranh công bằng trong những trận tranh tài vô tư, trong sáng. Ngoài ra, những kết quả, thành tích đạt được của từng địa phương, của từng trường sau HKPĐ toàn quốc lần này cũng như những lần tiếp theo sẽ là biểu đồ chính xác để đánh giá công tác rèn luyện thể chất, phong trào TDTT trong giới học sinh, từ đó tiến đến có hướng khắc phục hoặc phát triển mạnh hơn nữa.

Bài, ảnh: Hàn Đăng