Điểm lưu ý ở đây là, 34.555 bản khắc mộc bản triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ được đánh giá là một kho tư liệu gốc, độc bản và có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời cận đại. Các mộc bản này còn có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật chế tác và nhất là đã đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam. Năm 1960, các mộc bản này đã được di chuyển từ Huế lên Đà Lạt để lưu giữ. Ngày 31/7/2009, Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Trở lại công tác lưu trữ, với những vấn đề đã được PGS-TS Vũ Thị Phụng và các chuyên gia khác đặt ra xung quanh việc cần có sự nghiên cứu về quy trình bảo quản mộc bản, dựa trên chính hiện trạng của mộc bản ấy, một thông điệp khác mà chúng tôi nhận thấy là ngay trong vấn đề bảo quản các hiện vật hiện có ở Thừa Thiên Huế, có lẽ cũng cần phải được “đánh thức” trong sự kiểm tra, rà soát để có những phương án bảo quản phù hợp với từng chất liệu cụ thể. Cho dù đối với các đơn vị có chức năng bảo quản, lưu trữ hiện vật, đây có thể chưa phải là những điều cần được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, thật khó mà nói trước được điều gì trong điều kiện khí ẩm khắc nghiệt, nhiều mưa và cũng nhiều nắng như ở Thừa Thiên Huế.

Thừa nhận đây là vấn đề khá đau đầu đối với các bảo tàng, và lý tưởng nhất vẫn là xây dựng phương thức bảo quản quy chuẩn cho từng chất liệu riêng biệt nhưng Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) Huỳnh Thị Anh Vân cũng cho biết, đơn vị cũng đang cố gắng làm tốt nhất trong điều kiện có thể về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống thông gió và các yếu tố kỹ thuật khác...để đảm bảo an toàn cho hiện vật. Hiện hệ thống kho bảo quản của đơn vị vẫn được đánh giá khá cao so với không ít hệ thống bảo quản của các bảo tàng khác trên cả nước. Về mặt quy chuẩn và hướng đến tính bền vững lâu dài lại là một câu chuyện mang tầm vĩ mô hơn...

Tuy nhiên, ngay trên địa bàn tỉnh, không phải bảo tàng nào cũng có điều kiện bảo quản như Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế và vấn đề lưu trữ, bảo quản hiện vật  ở nhiều loại hình  - do vậy - vẫn là câu chuyện còn có phần bỏ ngỏ.

Lê An Nguyễn