Một y tá chăm sóc trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Bảo vệ Trẻ sơ sinh, Trẻ em và Thanh thiếu niên ở thủ đô Belgrade, Serbia ngày 8/6. Ảnh: Reuters

Một báo cáo của HRW cho hay, Serbia, quốc gia đã bắt đầu đàm phán để gia nhập EU vừa thông qua Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người khuyết tật.

Các nhà điều tra của HRW thấy rằng, cha mẹ của các trẻ em sinh ra bị khuyết tật đã đưa chúng vào các tổ chức của nhà nước, nơi chúng chủ yếu bị lãng quên, ít có cơ hội học tập và bị chia cắt khỏi gia đình.

Serbia sẽ nhắm tới việc đưa những trẻ em này trở về gia đình của mình và hỗ trợ chúng trong việc hòa nhập với gia đình và cộng đồng, bởi các nghiên cứu khoa học cho thấy sự phát triển tinh thần và tình cảm của trẻ khuyết tật sẽ tiến triển tốt hơn nhiều khi chung sống với gia đình và được hòa nhập vào cộng đồng.

"Ủy ban châu Âu (EU), một cơ quan theo dõi việc tuân thủ các yêu cầu để gia nhập EU nên thúc đẩy Serbia thực hiện các nghĩa vụ tôn trọng quyền con người của người khuyết tật như là một điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên EU", báo cáo nói thêm.

Các cuộc đàm phán giữa Belgrade với EU nên nhấn mạnh "cấm tuyệt đối việc bị bỏ bê và phân biệt đối xử đối với trẻ em khuyết tật", theo báo cáo của HRW.

Được biết, hệ thống y tế công cộng của Serbia đang xuống cấp và rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn quỹ kể từ khi cuộc chiến tranh Nam Tư cũ nổ ra vào đầu năm 1990. Trong xã hội Balkan truyền thống này, trẻ em khuyết tật thường không được thấu hiểu, thậm chí còn bị chối bỏ bởi gia đình của chính mình.

Trẻ em khuyết tật chiếm khoảng 80% trẻ em tại các trung tâm chăm sóc thiếu thốn nhân sự và có đến 60% trẻ em trong các trung tâm này không được đến trường.

Báo cáo cũng kêu gọi Serbia ngăn chặn việc xây dựng các trung tâm chăm sóc như vậy, đồng thời thiết lập một hệ thống dịch vụ chăm sóc cho trẻ em và gia đình của chúng để giúp chúng hòa nhập vào xã hội.

Báo cáo đề nghị các quốc gia thành viên EU cần đảm bảo rằng, sự tôn trọng đối với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người khuyết tật là "một phần của các yêu cầu gia nhập liên minh".

Serbia đã bắt đầu đàm phán về việc gia nhập EU từ tháng 12 vừa qua và hy vọng sẽ kết thúc đàm phán vào năm 2019.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & Bioethics)