Du khách chụp hình lưu niệm tại Công viên Sư tử (Merlion Park), Singapore. Ảnh: Straitstimes |
Khảo sát về chi phí cuộc sống của ECA International được thực hiện 2 lần mỗi năm. Trong đó, các nhà nghiên cứu so sánh giá cả các loại hàng hoá và dịch vụ thường được người nước ngoài sử dụng, bao gồm thực phẩm, vật phẩm gia đình, cũng như các dịch vụ giải trí và chi phí những mặt hàng khác như quần áo, hàng điện tử, rượu hay thuốc lá.
ECA cho rằng, vị trí của Singapore trong bảng xếp hạng đã tăng lên mặc dù nước này có mức lạm phát tương đối thấp trong năm qua.
Thế nhưng, dẫu Singapore có tăng đến 13 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, thành phố này lại giảm 2 bậc trong số những thành phố đắt đỏ nhất của châu Á. Theo khảo sát nói trên, Tokyo vẫn là thành phố đắt đỏ nhất trong khu vực dành cho người nước ngoài, tiếp theo là Hồng Kông.
Bên cạnh đó, các thành phố ở Trung Quốc ghi nhận bước nhảy lớn trong khoảng thời gian 5 năm, trung bình tăng lên 52 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu. Bây giờ, Trung Quốc có đến 11 trong số 20 thành phố đắt đỏ nhất ở châu Á, ECA nói thêm.
Thượng Hải, thành phố được xếp hạng thứ 25 cách đây 5 năm, bây giờ đang giữ vị trí thứ 10 trong số những thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người nước ngoài và đứng ở vị trí thứ 3 trong khu vực châu Á.
Trong 1/2 thập kỷ qua, dù nhiều thành phố châu Á vượt qua các thành phố ở châu Âu và châu Úc trong bảng xếp hạng, Malaysia và Indonesia lại đi ngược xu hướng đó. Jakarta giảm 49 bậc xuống vị trí 156, trong khi Kuala Lumpur giảm 19 bậc xuống vị trí 197.
Các thành phố của Úc cũng giảm vị trí đáng kể do sự suy yếu của đồng đô la Úc. Sydney, thành phố đắt đỏ nhất của đất nước cũng giảm từ vị trí thứ 15 trong cuộc khảo sát năm 2012 xuống vị trí thứ 70 trong năm nay.
Thanh Ngân (Lược dịch từ asiaone & Eca-international)