Theo thông tin từ Ban tổ chức chương trình, phân bón chiếm khoảng 50% chi phí đầu vào trong trồng trọt và là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, thị trường phân bón ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp: tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn ra khó kiểm soát gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân, các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính. Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường cho biết, mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm về phân bón giả, kém chất lượng. Còn theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nạn phân bón giả gây thiệt hại tới 2 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế... Nhìn vào những con số trên chúng ta phần nào hình dung được sự nhức nhối của nạn phân bón giả và những tác động tiêu cực của nó đối với hàng chục triệu hộ nông dân và nền sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của đất nước.

Tại Thừa Thiên Huế, nạn phân bón giả, thuốc trừ sâu kém chất lượng đã xuất hiện tại các địa phương. Điển hình là vụ hàng chục hộ trồng hoa ở Phú Vang bị trắng tay trong dịp Tết vừa qua do sử dụng thuốc rầy kém chất lượng. Trước đó, hàng chục hộ nông dân ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) từng rơi vào cảnh khốn đốn vì mua phải phân bón kém chất lượng của Công ty Kim Anh, khiến hàng chục ha lúa và hoa màu bị hư hỏng…

Nhìn lại những vụ phân bón giả bị phát hiện gần đây, thủ đoạn của những kẻ làm ăn phi pháp rất tinh vi, phức tạp, từ làm giả 100% , trộn nửa thật nửa giả đến sản xuất hàng kém chất lượng bằng “công nghệ” cuốc xẻng... Nhưng việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vụ việc lại hết sức khó khăn, phức tạp do sự chồng chéo trong quản lý của các bộ, ngành; chưa kể còn có sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Một điều khiến người dân  hoang mang là ngay chính cơ quan được giao trách nhiệm quản lý, chứng nhận về chất lượng sản phẩm phân bón cũng làm... không thật, khiến người dân chẳng còn biết đâu là thật, đâu là giả. Cuối tháng 4 vừa qua, Thanh tra Bộ NN&PTNT ra kết luận thanh tra 11 tổ chức chứng nhận, kiểm định phân bón, thì cả 11 đơn vị đều có những sai phạm liên quan đến điều kiện về tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước liên quan đến quản lý phân bón. Mới đây, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát hiện Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia đã cấp giấy chứng nhận chất lượng cho 815 sản phẩm phân bón, trong đó có tới 118 sản phẩm không được lấy mẫu, 697 sản phẩm không được phân tích mẫu… Chính những bất cập, chồng chéo quản lý từ các khâu sản xuất, kiểm định đến lưu thông phân phối dẫn đến phân bón, thuốc trừ sâu giả có đất sống.

Để loại trừ phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng cùng việc tháo gỡ vướng mắc, siết chặt công tác quản lý từ sản xuất đến lưu thông, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn trang bị kiến thức để bà con nông dân chủ động trong việc nhận biết, không sử dụng phân bón giả, kém chất lượng. Khi nguồn “cầu” bị chặn, phân bón giả, kém chất lượng sẽ chẳng còn đất sống...

HOÀNG GIANG