Ô nhiễm không khí nặng ở thủ đô New Deli, Ấn Độ. Ảnh: AP.

Theo báo cáo của OECD, ô nhiễm không khí ngoài trời có thể dẫn đến tình trạng tử vong sớm cho khoảng từ 6-9 triệu người và gây tổn thất kinh tế khoảng 2,6 nghìn tỉ USD/năm vào năm 2060 nếu không có hành động nào được tiến hành.

OECD đã kiểm tra những hậu quả kinh tế do ô nhiễm không khí và thấy rằng, nó có thể làm tiêu tốn 1% tổng sản phẩm trong nước mỗi năm - tương đương với 2,6 nghìn tỷ USD - vào năm 2060.

Chi phí kinh tế sẽ tăng lên cùng với sự gia tăng các hóa đơn liên quan đến y tế và chăm sóc sức khỏe hàng năm, lên đến 176 tỷ USD – cao hơn gấp nhiều lần so với con số 21 tỷ USD trong năm 2015, và tổn thất ngày làm việc tăng lên đến 3,7 tỷ USD từ mức 1,2 tỷ USD.

"Việc giảm năng suất cây trồng do hậu quả của tình trạng không khí bẩn cũng sẽ đè nặng lên nền kinh tế hầu hết các nước", báo cáo cho biết.

"Số lượng ca tử vong sớm bởi ô nhiễm không khí hiện nay đã là điều khủng khiếp, nhưng sự gia tăng tiềm năng trong vài thập kỷ tới còn đáng sợ hơn nhiều", Giám đốc môi trường của OECD Simon Upton cảnh báo.

"Nếu báo cáo này vẫn không mang lại đủ động lực để có hành động phù hợp thì nó cũng cho thấy những thiệt hại nặng nề về kinh tế, nếu chúng ta không hành động".

Ô nhiễm không khí ngoài trời đã khiến hơn 3 triệu người tử vong sớm trong năm 2010 nhưng con số này có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba vào năm 2060, báo cáo cho biết.

Sự gia tăng lớn nhất tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí được dự báo sẽ diễn ra ở Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia Trung Á như Uzbekistan, nơi có sự gia tăng dân số và các thành phố đông đúc khiến ngày càng có thêm nhiều người gánh chịu tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải từ các nhà máy điện và khí thải giao thông.

Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, Ấn Độ đã có 4 trên 10 thành phố bị ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới.

Tỷ lệ tử vong được xem là sẽ ổn định tại Hoa Kỳ và sẽ sụt giảm ở nhiều nước Tây Âu vào năm 2060 một phần là do những nỗ lực để chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng và phương tiện giao thông vận tải sạch hơn, OECD cho biết.

Nguồn ô nhiễm không khí hàng đầu bao gồm từ khí thải các loại động cơ, đặc biệt là động cơ diesel, hệ thống sưởi ấm và làm mát các tòa nhà lớn, quản lý chất thải, nông nghiệp và việc sử dụng than đá và dầu diesel để phát điện.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Theguardian)