Một con muỗi được nhìn thấy dưới kính hiển vi tại viện nghiên cứu ở California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Các nhà nghiên cứu mô tả mô hình của họ là "một cải tiến lớn trong việc nghiên cứu dịch bệnh lây từ động vật sang người", mô hình này có thể giúp chính phủ các nước chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh, cũng như xem xét những nguy cơ khi họ thực hiện chính sách ảnh hưởng đến môi trường.

"Mô hình của chúng tôi có thể giúp các nhà hoạch định đánh giá tác động tiềm ẩn đối với bất kỳ sự can thiệp hay thay đổi chính sách nào của chính phủ quốc gia hoặc quốc tế, chẳng hạn như việc chuyển đổi đồng cỏ thành đất nông nghiệp", giáo sư Kate Jones thuộc khoa Di truyền học, Tiến hóa và Môi trường của Đại học College London, cũng là người đồng hướng dẫn nghiên cứu cho hay.

Mô hình này còn có khả năng xem xét các tác động của biến đổi toàn cầu đối với nhiều dịch bệnh cùng một lúc, bà Kate nói.

Khoảng 60-75% bệnh truyền nhiễm mới bắt nguồn từ động vật. Nhất là loài dơi, động vật làm lây truyền nhiều loại virus sang người.

Hiện nay, virus Ebola và Zika đang trở nên phổ biến. Cả hai loại virus này đều bắt nguồn từ động vật hoang dã, cũng như nhiều bệnh khác bao gồm sốt Rift Valley và sốt Lassa ảnh hưởng đến hàng ngàn người được dự đoán sẽ lan rộng do sự thay đổi của yếu tố môi trường.

Được biết, nhóm nghiên cứu của Jones đã tiến hành khảo sát ở 408 khu vực có dịch sốt Lassa ở Tây Phi giai đoạn 1967-2012, những khu vực này cũng có nhiều sự thay đổi trong việc sử dụng đất, năng suất cây trồng, nhiệt độ, lượng mưa và việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

"Cách tiếp cận của chúng tôi dự đoán thành công sự bùng phát của bệnh dịch bằng cách ghép nối những thay đổi của môi trường với các cơ chế lây truyền của dịch bệnh. Nó cho phép chúng ta tính toán nguy cơ của con người khi tiếp xúc với động vật mang bệnh và nguy cơ lây nhiễm virus", theo David Redding, đồng trưởng nhóm nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm mô hình mới này đối với sốt Lassa, một căn bệnh đặc hữu trên khắp Tây Phi và gây ra bởi một loại virus từ chuột. Giống như Ebola,virus Lassa gây sốt xuất huyết và có thể dẫn đến tử vong.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Phương pháp Sinh thái và Tiến hóa cho thấy, số lượng người nhiễm bệnh Lassa sẽ tăng gấp đôi lên 406.000 người vào năm 2070 từ 195.000 người hiện nay, do biến đổi khí hậu và dân số ngày càng tăng.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & Condone)