Tiếp theo chuỗi một loạt các Tuần hàng Việt Nam tại châu Âu, bước đầu chúng ta đã đạt được những kết quả đầy triển vọng trong các mặt hàng quan trọng mà Việt Nam nỗ lực thúc đẩy tại thị trường quan trọng này, đó có thể là tín hiệu vui ban đầu về sự quan tâm của chuỗi siêu thị Auchan với mặt hàng gạo của Việt Nam; hay siêu thị Thanh Bình Jeune – tiếp theo vải, sẽ nhập cà phê thương hiệu Việt sang bán tại Pháp… Hay bắt đầu trong các hoạt động tuần hàng, đã có xuất hiện những gian quảng bá riêng các thương hiệu Việt như cà phê Sobica...

EVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU

Chuẩn bị một cái nhìn và chiến lược dài hạn để nắm bắt được các cơ hội ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức được ký kết và đi vào hiệu lực là điều mà các doanh nghiệp cần làm ngay.

Phát biểu tại cuộc hội thảo “Việt Nam- nền kinh tế đang phát triển mạnh” (hoạt động trong khuôn khổ xúc tiến thương mại tại Lyon), ông Philippe Valentin, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Lyon nhấn mạnh sự kiện kết thúc đàm phán EVFTA tạo cơ hội quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu nói chung, Pháp nói riêng.

Ông Philippe Valentin nhấn mạnh: "Sự kiện hoàn tất Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt các cơ hội to lớn từ hiệp định này, đặc biệt là ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó, việc Việt Nam là thành viên tích cực của Cộng đồng kinh tế ASEAN mới thành lập và Hiệp định TIPP cũng tạo nhiều lợi ích quan trọng. Các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ từ lâu, nên chúng ta cần hợp tác để tận dụng những lợi ích lớn mà các hiệp định mang lại."

Cũng tại hội thảo, đại diện Công ty luật DS, Tổng liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vùng Rhone Alpes và các doanh nghiệp làm việc thành công tại Việt Nam đã cùng thảo luận với đoàn doanh nghiệp Việt Nam về nhiều khía cạnh để thành công khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU được ký kết. Các đại biểu phát biểu trong hội thảo tại Pháp hay tại Italia đều khẳng định cơ hội là rất lớn và sẽ là chậm trễ nếu không có chiến lược dài hạn ngay từ bây giờ.

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đi vào chi tiết những ưu đãi về thuế đặc biệt hấp dẫn khi EVFTA được ký kết và triển khai. Thứ trưởng nói: "EVFTA sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh. Khi hiệp định được thực hiện, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của EU và một số mặt hàng của Việt Nam như nông sản, dệt may, giày dép, thủy sản … sẽ được ưu đãi hơn khi tiếp cận thị trường của bên kia. Hai bên sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế."

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, với nền kinh tế phát triển năng động và thị trường trên 90 triệu người tiêu dùng của Việt Nam, tiềm năng để các doanh nghiệp Pháp phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại với Việt Nam sau khi có FTA là rất rõ ràng.

Đi vào cụ thể, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng vụ thị trường châu Âu nhấn mạnh việc chuẩn bị của doanh nghiệp chỉ cần bắt đầu từ việc đọc quy định về thuế cũng như các yêu cầu đối với mặt hàng của mình trong Hiệp định.

Ông Đặng Hoàng Hải nói: "Các doanh nghiệp có lẽ không cần to tát nghĩ đến các lợi ích của FTA, chỉ cần bắt đầu từ những việc rất đơn giản là giở hiệp định ra xem những phần liên quan đến mình, các dòng thuế trực tiếp liên quan đến sản phẩm của họ, dòng thuế sẽ giảm như thế nào, lộ trình ra sao, bao giờ được cắt giảm, cắt giảm bao nhiêu phần trăm để từ đó họ tính được giá thành sản phẩm của họ. Tiếp theo xem quy tắc xuất xứ để hàng hóa của họ thực sự đạt được lợi ích từ hiệp định, sau đó các mặt hàng có liên quan đến kiểm dịch kiểm tra sản phẩm thì phải đọc kỹ các chương trình SPF, để đem được sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế, sau đó, nếu sản phẩm liên quan đến hàng rào kỹ thuật, hay liên quan đến các nhà sản xuất khác với số lượng lớn thì nên đọc chương về phòng vệ thương mại. Cách tốt nhất để tận dụng được FTA là giở ra đọc những phần liên quan đến mình và có sự chuẩn bị dài hạn."

Trong các hội thảo do Bộ Công thương tổ chức tại Italia hay Lyon, Pháp, lãnh đạo và doanh nghiệp phía bạn đều nhấn mạnh những lợi ích rất lớn mà Hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ mang lại cho doanh nghiệp hai nước.

Valentin Trần, Giám đốc xuất khẩu của Casino chia sẻ: "Tôi rất lạc quan về mảng xuất hàng từ Việt Nam đi châu Âu khi EVFTA được ký kết. Khi có EVFTA, thuế xuất xuống 0% sẽ giúp có lợi cho hàng hóa Việt Nam rất nhiều, ví dụ điển hình như gạo Việt Nam hiện không cạnh tranh được với gạo Campuchia tại châu Âu do chịu thuế cao và hiện Casino phải đưa gạo Việt Nam ra châu Phi thì mới cạnh tranh được… Để tận dụng được các lợi ích thì các doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu thị trường và cần làm cho thị trường bản địa biết đến mình."

Lời khuyên của ông Valentin Trần là: “Cần tham gia trưng bày hàng hóa, tham gia các hội chợ ở châu Âu; đồng thời cần thăm các chuỗi siêu thị tại Pháp và châu Âu để hiểu thị hiếu người tiêu dùng, tập quán kinh doanh. Và dĩ nhiên, cái gốc để thành công vẫn là chất lượng hàng hóa – cần nâng cao và khẳng định chất lượng hàng hóa với việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế."

Ngành dệt may đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi EVFTA có hiệu lực

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, cũng nhận thức rất rõ về yêu cầu phải xây dựng thương hiệu có tính cạnh tranh mạnh. Bà Trần Tường Anh, Công ty may Hòa Thọ nói: "Chúng ta cũng sẽ phải thiết kế những nhãn hàng riêng của mình. Về vấn đề này, tập đoàn dệt may chúng tôi tập trung vào việc hoàn thiện để có những sản phẩm mang chính thương hiệu của mình. Và đây cũng là chủ trương chung của tập đoàn dệt may Việt Nam."

Rõ ràng, đối với các doanh nghiệp Việt, để thành công, đón đầu EVFTA, cần phải có sự chuẩn bị dài hơi từ bây giờ, nếu không sẽ là muộn.

Việc đưa hàng hóa trực tiếp qua các chuỗi phân phối như Bộ Công thương đang tiến hành xúc tiến thương mại, giúp hàng hóa Việt Nam trải qua những cuộc sát hạch tiêu chuẩn châu Âu, học cách quản lý chất lượng hàng hóa và quan trọng trong văn hóa kinh doanh của châu Âu, đó là học được cái nhìn dài hạn.

Dài hạn trong đảm bảo chất lượng hàng hóa; dài hạn với những thỏa thuận hợp tác cũng như dài hạn trong tầm nhìn về xây dựng và phát triển thương hiệu Việt – thì mới có thể tạo nên sức cạnh tranh cho nền kinh tế và hàng hóa Việt Nam tại châu Âu nói riêng, trên toàn thế giới nói chung.

Thùy Vân/VOV-Paris