Quả nhiên, trước căn nhà nhỏ ở nơi khuất vắng ít người để ý ấy, ông Nguyên Thông đang giúp mấy cán bộ văn phòng lo lễ cúng nhân năm mới sắp đến. Thật may là mặc dù hơn một thế kỷ qua, việc xây dựng các công trình trong khuôn viên này đã xáo trộn nhiều thứ, nhưng tấm bia cổ vẫn còn. Đối diện với tấm bia cổ là tấm bia mới dựng ngày 30 tháng 6 năm 1956, ghi rõ:
“Tại khuôn viên tỉnh lỵ Thừa Thiên, nguyên trước có lập hai miếu (một cái thờ văn ban, một cái thờ võ ban). Nhơn sự kiến thiết lại Tòa tỉnh trưởng nên phải làm chung lại một miếu để hiệp tự cho được trang hoành tráng lệ phụng thờ vĩnh viễn muôn năm. Huế ngày 30 tháng 6 năm 1956. Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên - Thị trưởng Đô thị Huế Hà Thúc Luyện.” (Nội dung trên có chữ Hán kèm theo.)
Tấm bia cổ, tuy bị nứt ở giữa, nhưng phần lớn chữ khắc còn đọc rõ. Bia có kích thước 60x45cm (không kể phần đỉnh và chân bia), được ghi chép từ năm Thành Thái thứ 11 đến năm Bảo Đại thứ 18, tương ứng với mỗi niên hiệu nhà vua là tên vị quan ngồi ghế Phủ Doãn (chức Tỉnh trưởng của một tỉnh khi tỉnh đó là kinh đô) hầu hết là những nhà khoa bảng có uy tín.
Nhiều nhà nghiên cứu Huế (trong đó có “chuyên gia” về Huế là Phan Thuận An) cũng chưa biết có di tích này. Ông Lê Quang Thái tỏ ra rất thích thú khi tôi dẫn ông vào cùng xem ngôi miếu với nhiều câu đối văn tự tiền nhân để lại. So với tòa ngang dãy dọc cao tầng trong trụ sở UBND tỉnh thì đây là một căn nhà nhỏ, thấp lè tè, cũ kỹ, nhưng thời ông Hà Thúc Luyện làm Thị trưởng thì một ngôi miếu xây thế này là “trang hoàng tráng lệ”. Miếu xây 3 gian, theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” (hai nhà liền nhau chung máng nước ở giữa), phía trước còn xây một “am” thờ linh vật (Gọi là “am” nhưng cũng xây thành 3 gian có chiều dài bằng ngôi miếu). Là người thông thạo sử sách, ông Thái nói: “Dinh Phủ Doãn trước ở trong Thành Nội, cuối đường Trần Quốc Toản, năm 1899 mới dời sang đây… Ngày đó, phía sau Dinh chắc còn là vùng cây cối rậm rạp, nên các quan cho lập am thờ linh vật như thế.” Ông chỉ am thờ dựng sát với ranh giới lao Thừa Phủ, có hình “Ông Ba Mươi” trên bệ thờ. Ông đặc biệt chú ý đến những câu đối rất có ý nghĩa trong miếu, tuy một số chữ không còn nguyên vẹn…
Tôi cũng đã tìm đến nhà ông Nguyên Thông, người có nhiều hiểu biết về ngôi miếu trong Dinh Phủ Doãn xưa mà ông gọi là “Miếu Thổ Thần”. Ông đọc thuộc lòng 4 câu đối phía trước miếu:
Nhất niệm nhân dân tư chuẩn đức / Tam Xuân trở đậu nhạ tân hương.
Trung nghĩa thiên thu lưu chính khí / Anh linh vạn cổ sùng thần uy.
Và ông giải nghĩa câu thứ nhất với vẻ tâm đắc : “Muốn làm hướng về nhân dân lấy đức làm trọng”… Ông Thông, sau khi nói đến giá trị về “chữ nghĩa” tiền nhân để lại ở ngôi miếu này, đã bảo tôi: “Đó là tôi chưa nói đến tâm linh…” Một cán bộ từng làm việc ở UBND tỉnh cũng nói với tôi: “Ngôi miếu này thiêng lắm!...”
Trải qua nhiều năm không được tu sửa, ngôi miếu hiện đã xuống cấp nhiều mặt. Rất mừng là theo một nguồn tin đáng tin cậy, UBND tỉnh, đã có kế hoạch trùng tu ngôi miếu này khi mở thông con đường giữa khuôn viên Trụ sở UBND tỉnh với lao Thừa Phủ (hiện đang xây dựng Bệnh viện Quốc tế). Hy vọng tới lúc đó, ngôi miếu này, do ở “mặt tiền” mới, việc vào thăm và nghiên cứu di tích này sẽ thuận tiện hơn.