Một cậu bé ngủ trong xe đẩy hàng tại một siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

"Ít nhất 25% trẻ em ở độ tuổi 12 ngủ ít hơn so với khuyến cáo ngủ đủ 9 tiếng đồng hồ mỗi đêm và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy điều này tác động đến việc học tập và trí nhớ", Tiến sĩ Stuart F. Chan thuộc bệnh viện Brigham and Women's (BWH) ở Boston, Mỹ, cũng là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu mới của AASM được tiến hành trên phạm vi nhóm tuổi rộng hơn so với trước đây, nhưng phương châm vẫn nhằm nhấn mạnh rằng trẻ em và thanh thiếu niên cần nhiều thời gian ngủ để có được sức khỏe tối ưu.

Rối loạn giấc ngủ gây ra các vấn đề sức khỏe của trẻ em, chẳng hạn như "việc ngưng thở khi ngủ có liên quan tới kết quả học tập kém, vấn đề về cảm xúc và hành vi, dẫn đến việc chẩn đoán sai chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và nếu nghiêm trọng, có thể gây ra vấn đề về tim", ông Chan nói với Reuters qua email.

Theo kết quả nghiên cứu, mất ngủ ảnh hưởng đến 1 trong 4 vị thành niên và 1 trong 3 trẻ mẫu giáo, có liên quan đến "khả năng hoạt động kém tại trường học, gia tăng các vấn đề về cảm xúc và sức khỏe, thậm chí có nguy cơ tự hại và ý tưởng tự sát".

Thách thức lớn nhất là đảm bảo trẻ em có đủ thời gian để ngủ. Thông thường, một đứa trẻ hay thiếu niên sẽ không đi ngủ sớm hoặc được đánh thức quá sớm bởi những nhiều lý do xoay quanh gia đình và các vấn đề xã hội, tiến sĩ Chan nói thêm, đồng thời khuyên các bậc cha mẹ nên nói chuyện với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nhi khoa nếu vấn đề về giấc ngủ của con em tiếp tục kéo dài.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters & Childmind)