Tái diễn nạn chèo kéo, đeo bám, “chặt chém”

Tại hội nghị, các doanh nghiệp phản ánh nhiều bức xúc về môi trường du lịch Huế, đặc biệt vấn nạn chèo kéo, đeo bám, lừa lọc du khách xảy ra thường xuyên nhưng chưa được xử lý nghiêm.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Giám đốc Công ty CP Du lịch DMZ bày tỏ: “Qua đường dây “nóng” của công ty, doanh nghiệp này thường xuyên nhận được phản hồi của du khách bị các đối tượng xích lô, xe thồ dẫn dụ, lừa đến những địa chỉ thiếu lành mạnh. Ông Nguyễn Đình Ân, Giám đốc Chi nhánh Công ty Bạn đường Châu Á kể, bản thân ông nhiều lần can thiệp các vụ cãi vã giữa du khách với xích lô, xe thồ do bị “chặt chém”. “Với đoạn đường ngắn từ Lê Lợi đến Đội Cung nhưng khách bị “chặt” đến 200.000 đồng và chuyện này xảy ra thường xuyên” - Ông Ân khẳng định. Tình trạng xích lô đeo bám du khách cũng diễn ra thường xuyên tại khu vực Đại Nội.


Rất nguy hiểm khi du khách đi bộ dưới lòng đường. Ảnh: Minh Phương

Theo đại diện Công ty Du lịch Ý Thảo, tại khu vực bến xe Nguyễn Hoàng, thường có đội quân xe ôm từ 5-7 người đeo bám du khách, gạ bán áo mưa, đổi tiền nhưng đây chỉ là hành vi trá hình. Khi khách sơ hở, liền xảy ra cướp giật. Các vụ việc diễn ra vào khoảng thời gian từ 12-12h30 trưa nên khi bị hại, du khách không biết kêu ai.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Công ty Du lịch Xanh cho hay, trên các thuyền rồng, một bức ảnh được bán cho du khách với giá 150.000 đồng nhưng vừa bước chân lên thuyền, bức ảnh ấy được bán trước chùa Thiên Mụ với giá chỉ có 50.000 đồng. “Việc bị lừa như thế làm du khách bức xúc suốt cả hành trình du lịch, nếu không cải thiện ý thức của người dân thì dù Huế có đẹp ngàn lần cũng không thu hút được khách” – ông Khánh bức bối.

Các doanh nghiệp cũng phàn nàn tình trạng ta-xi đậu, đỗ vô tội vạ trên một số tuyến đường. Đặc biệt, tại sân bay Phú Bài, các hãng ta-xi thao túng bến bãi, gây khó khăn cho một số hãng lữ hành trong việc đưa, đón du khách, dù đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần nhưng chưa được tháo gỡ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, đại diện Công ty Du lịch Tân Hồng - đơn vị chuyên khai thác khách tàu biển cập cảng Chân Mây nói: Hiện, Huế đón lượng khách tàu biển ngày càng nhiều, riêng năm 2012 có thể lên đến 75.000 du khách nhưng đoạn đường ngay cổng cảng lại toàn ổ gà, ổ voi (trong khi du khách tàu biển đa số là người già). Việc thiếu nhà vệ sinh sạch tại các điểm tham quan khiến du khách bức xúc dù đã phản ánh hàng chục năm nay nhưng chưa cải thiện. Về rác thải, đại diện khu du lịch Ana Mandara (Thuận An) bức xúc: “Rác thải khắp mọi nơi là ấn tượng không hay thường xuyên đập vào mắt du khách. Sau một cơn thủy triều, rác lềnh bềnh trên biển. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng không thấy cải thiện”.

Nhiều công ty cũng tỏ ra bức xúc do chưa có đường đi bộ cho du khách từ bến xe Nguyễn Hoàng vào Đại Nội, gây nguy hiểm cho du khách, đặc biệt trong giờ cao điểm. Công ty Tân Hồng cho biết, năm 2011, ba trường hợp du khách của công ty này đã bị tai nạn giao thông trên tuyến đường này.

“Phải hành động”

Phản hồi ý kiến doanh nghiệp, ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hiện, hệ thống nhà vệ sinh tại các điểm tham quan di tích như Đại Nội, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức… đang được đầu tư với kinh phí 8 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3-2012. Việc phân luồng giao thông vào khu vực Đại Nội, UBND tỉnh cho biết sẽ cấm các phương tiện giao thông trên tuyến đường 23-8, chỉ dành cho người đi bộ.

Ông Phạm Bá Vương, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương Binh xã hội cho hay, bằng nhiều biện pháp xử lý, tình trạng ăn xin trên địa bàn thành phố đã giảm hẳn. Riêng đối tượng chèo kéo, bán hàng rong, đeo bám du khách chưa có biện pháp gì khác ngoài việc đẩy, đuổi.

Các doanh nghiệp du lịch đề xuất một số giải pháp như công khai số điện thoại nóng đến du khách để kịp thời giải quyết các vụ việc; kêu gọi tất cả các doanh nghiệp du lịch gây quĩ để hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường du lịch; có biện pháp chế tài mạnh đối với hành vi vứt rác bừa bãi…

Tại hội nghị, ông Ngô Hòa - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, sẽ cương quyết chỉ đạo các ban ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc được doanh nghiệp phản ánh, quyết tâm làm trong sạch môi trường du lịch, trước hết để phục vụ tốt Festival Huế và Năm du lịch Quốc gia 2012. “Có nhiều vấn đề chúng ta nói nhiều rồi. Phải hành động” - Ông Ngô Hòa quả quyết.

Nhật Nguyên