Facebook đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp tin tức trực tuyến. Ảnh: AFP

Hơn 1/2 người sử dụng trực tuyến tiếp cận tin tức từ Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác, họ cũng từ chối trả tiền để đọc tin tức và sử dụng các ứng dụng để chặn quảng cáo, làm ảnh hưởng doanh thu của các nhà xuất bản, theo báo cáo của Viện nghiên cứu về báo chí Reuters (RISJ).

Trong khi tin tức được cung cấp miễn phí thông qua các mạng xã hội sẽ tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận hơn cho người đọc, điều đó cũng gây ra nhiều khó khăn hơn đối với các nhà xuất bản để có được sự công nhận và kết nối với đọc giả của mình, RISJ cho biết trong báo cáo Tin tức kỹ thuật số hàng năm của mình.

"Những điều này đang xảy ra bởi chính chúng ta. Chúng ta thích tin tức dưới dạng kỹ thuật số bởi vì nó thuận tiện, nhưng thực tế là các nhà xuất bản phải trả tiền để làm báo chuyên nghiệp", ông Rasmus Nielsen Kleis, Giám đốc RISJ nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Theo báo cáo nói trên, Facebook đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp tin tức trực tuyến, với 44% người sử dụng mạng xã hội này xem đây là nguồn tin tức của họ, tiếp theo là 19% người sử dụng YouTube và 10% người sử dụng Twitter.

Ngoài ra, 36% số người được hỏi nói rằng, họ yêu thích tin tức được các thuật toán lựa chọn hơn, trong khi chỉ có 30% người được hỏi thích đọc tin do các biên tập viên hoặc các nhà báo chọn lọc, mặc dù nhiều người trong số đó cũng lo ngại việc thiếu những thông tin quan trọng.

Lần đầu tiên, phương tiện truyền thông xã hội vượt qua truyền hình, trở thành nguồn tin tức chính của độ tuổi từ 18-24, với 28% trong số đó khẳng định phương tiện truyền thông xã hội là nguồn tin chính của họ, so với 24% nói rằng họ theo dõi tin tức trên tivi.

Bên cạnh đó, hơn 1/2 số người được hỏi khẳng định, họ sử dụng điện thoại thông minh để truy cập tin tức, với mức cao nhất ở Thụy Điển (69%), Hàn Quốc (66%) và Thụy Sĩ (61%).

Ở Anh và Mỹ, việc sử dụng điện thoại thông minh để truy cập tin tức cũng lần đầu tiên vượt qua máy tính để bàn và máy tính xách tay.

Cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến tại 26 quốc gia ở châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & Straitstimes)