Đến Hội Người mù tỉnh, chúng tôi tiếp xúc với 2 học sinh vừa hoàn thành chương trình học ở Trường THPT Hai Bà Trưng. Dù mùa thi đang đến gần nhưng cả hai đều không ôn luyện bài vở mà dành thời gian cho những công việc khác, lý do là họ chọn học nghề thay vì bước tiếp vào giảng đường đại học.

Cán bộ ở Hội Người mù tỉnh trao đổi, tư vấn cho học sinh khiếm thị về chọn ngành, trường

Phạm Thị Ngọc, học sinh khiếm thị vừa hoàn thành chương trình lớp 12 kể, chọn nghề là ý tưởng hình thành trong đầu em từ lúc còn ngồi ghế nhà trường. Nhận được nhiều lời tư vấn từ các giáo viên và cán bộ ở hội người mù nhưng bản thân tự lượng sức học nên quyết định cuối cùng của em là chọn học nghề.

Những năm qua, việc chọn ngành, chọn trường của nhiều học sinh khiếm thị cũng gặp không ít khó khăn. Dù đam mê hay không thì “bến đỗ” mà các em chọn cũng thường hướng đến các ngành như: Luật, công tác xã hội, đông phương học, ngữ văn và âm nhạc.Việc thích và chọn những ngành tự nhiên trở nên khó khăn vì hầu hết các trường đại học tại Huế chưa có phương pháp giảng dạy phù hợp cho người khiếm thị, trong khi đó, tiếp cận công thức toán - lý - hóa là không dễ dàng với những em khuyết tật về mắt. “Có hai cái khó khiến đa số học sinh mù chọn ngành xã hội là năng lực học tập của các em và sách, chương trình dạy học ở các trường chưa phù hợp với hoàn cảnh học sinh mù. Đơn giản như việc chưa có trắc nghiệm chữ nổi đã là một cái khó. Học sinh mù học theo phương pháp nghe giảng và thu âm rồi về học lại, đây cũng là một vất vả của các em”, ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết.

Khó khăn tác động đến nhận thức chọn nghề của không ít học sinh đang còn học phổ thông. Theo bà Nguyễn Thị Thương, Trưởng phòng Giáo vụ Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp trẻ em mù, gần đây học sinh khiếm thị có xu hướng chọn học nghề hơn là vào đại học. Ngoài một số nguyên nhân kể trên, nhu cầu việc làm khiến các em lo ngại. Học sinh khiếm thị ít có cơ hội việc làm nhiều như những học sinh bình thường, do vậy việc học chắc một cái nghề để xác định tương lai mình là chia sẻ mà ngay cả những học sinh lớp 10 nghĩ đến.

Một trong những lý do nữa là học sinh khiếm thị được xét miễn thi tạo cho nhiều em có cảm giác mặc cảm dù đây là một chính sách rất tích cực của nhà nước. “Những em có học lực tốt thích thi hơn là được xét. Không phủ nhận mặt tốt của chính sách miễn thi dành cho học sinh khiếm thị nhưng do các em bị bạn bè trêu chọc, coi thường dẫn đến nhiều em tự ti”, ông Lộc nói.

Trò chuyện với nhiều học sinh khiếm thị, được biết đa số nguyện vọng của các em giờ đây là tìm một nghề nghiệp thích hợp, trong đó massage là công việc mà nhiều người hướng đến nhất. Một số trường hợp cho rằng, trong bối cảnh đầu ra việc làm khó khăn, đại học không phải là con đường lập thân duy nhất, quan trọng là học chín chắn một cái nghề để tự lo cho bản thân và giảm bớt nỗi lo cho gia đình.

Lê Hữu Phúc