Khu vực bãi thải chặn dòng suối và gây ngập úng nhiều diện tích cây cao su

Chúng tôi được ông Phan Được, một hộ dân ở xã Hương Lộc có diện tích lớn cao su bị ảnh hưởng dẫn vào hiện trường. Chạy xe máy từ trung tâm xã gần 15km đường đèo, đất đỏ lầy lội do hàng chục xe tải trọng lớn cày xới hàng ngày, mới đến được bãi thải của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (Công ty Trường Thịnh) - đơn vị thi công đường Hồ Chí Minh tuyến Nam Đông - Túy Loan. Khu vực bãi thải thuộc km 25 thuộc thôn 1 xã Hương Lộc. Trèo lên bãi thải cao như núi với hàng ngàn mét khối đất đá, ông Phan Được xót xa: Hơn 2 tháng nay, đơn vị thi công đường đổ đất đá ở khu vực này làm lấp luôn dòng suối và con đường được người dân làm để vào chăm sóc, khai thác hơn 7ha cao su 7-8 năm tuổi của 5 hộ dân ở đây.

Theo chỉ dẫn của ông Phan Được, chúng tôi nhận thấy một khối lượng lớn đất đá từ trên cao đổ xuống đã chặn dòng suối Mụ Em- nguồn nước của nhiều người dân thôn 4 và thôn 1 sử dụng sinh hoạt hằng ngày. Do bị chặn dòng lâu ngày nên nước đã dâng cao làm ngập nhiều diện tích rừng, trong đó có nhiều cây cao su đang trong thời kỳ thu hoạch. Nước khe vốn trong xanh nay đã chuyển sang màu nâu đen bởi nhựa cây bị ngâm nước lâu ngày tiết ra. Con đường của 5 hộ dân hằng ngày vào chăm sóc và thu hoạch mủ cao su đã biến mất, thay vào đó là một núi đất đá cao ngồn ngộn. Ông Được cho biết, từ khi suối và đường vào rẫy cao su bị lấp, tất cả các hộ dân đều không thể vào chăm sóc và thu hoạch mủ cao su. Nguồn nước sinh hoạt chính cũng không còn làm đảo lộn mọi sinh hoạt của người dân trong mùa nắng nóng. Về lâu dài, nếu không có giải pháp khơi thông dòng chảy sẽ rất nguy hiểm đến diện tích cây cao su còn lại.   

Được biết, theo nhu cầu của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn– Túy Loan và đơn vị thi công, ngày 20/5/2015, UBND huyện Nam Đông đã có văn bản đồng ý cho phép Công ty Trường Thịnh được sử dụng bãi thải tại vị trí Km25+700 thuộc địa bàn xã Hương Lộc để đổ thải trong quá trình thi công. Tuy nhiên, trong quá trình đổ thải đã lấn chiếm lòng suối làm ách tắc dòng chảy, gây ngập úng và cản trở đường đi sản xuất của người dân. Do đó, ngày 15/3/2016, UBND huyện Nam Đông đã có công văn đề nghị Công ty Trường Thịnh dừng đổ thải tại vị trí nêu trên và phối hợp với UBND xã Hương Lộc nghiên cứu khảo sát tìm vị trí khác phù hợp. Tuy nhiên đến cuối tháng 5/2016, việc đổ thải tại bãi thải vật liệu này vẫn còn tiếp diễn.

Ông Đoàn Trọng Hậu, Chủ tịch UBND xã Hương Lộc cho biết, chính quyền địa phương nhận được phản ánh của người dân về việc bãi thải gây ảnh hưởng đến môi trường nước và mất đường vào chăm sóc và khai thác mủ cao su trong thời điểm thu hoạch. Ngày 30/5, UBND xã Hương Lộc cùng đại diện Phòng Tài nguyên- Môi trường và đơn vị thi công tuyến cao tốc Nam Đông- Túy Loan là Công ty Trường Thịnh có cuộc họp để giải quyết rốt ráo vụ việc trên. Theo đó, Công ty Trường Thịnh đã đồng ý sẽ sử dụng phương tiện khơi thông dòng chảy tại suối Mụ Em; đồng thời, mở lại con đường ở cuối bãi thải cho người dân vào rẫy cao su. Theo thõa thuận này, các công việc trên đều phải hoàn thành trước ngày 7/6 nhằm kịp thời giải quyết bức xúc trước mắt cho các hộ dân bị ảnh hưởng.  

Ngày 15/6, ông Đoàn Trọng Hậu, Chủ tịch UBND xã Hương Lộc xác nhận, đơn vị thi công vẫn chưa có động thái gì về việc khơi thông dòng chảy và làm đường lại cho dân tại khu vực bãi thải trên. “Khi thấy quá thời hiệu tôi gọi điện cho người của Công ty Trường Thịnh đốc thúc nhưng họ vẫn nại lý do để lần lửa, trong khi, người dân vẫn đang mong mỏi từng ngày” - ông Hậu cho hay.

Liên quan đến việc chậm trể khắc phục khơi thông dòng chảy và làm đường cho dân ở khu vực bãi thải Hương Lộc, ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, sẽ cho kiểm tra và tiếp tục có buổi làm việc với Công ty Trường Thịnh, sớm tháo gỡ vướng mắc. Về điểm cấp phép làm bãi thải mới cho Công ty Trường Thịnh, ông Trần Quốc Phụng nói giao cho Công ty Trường Thịnh phối hợp với chính quyền xã Hương Lộc tìm một nơi phù hợp, nếu đủ điều kiện UBND huyện sẽ cho phép làm bãi thải trong khi nhu cầu xây dựng đường rất cấp thiết.

THÁI BÌNH - VĂN PHÚC