Minh họa: Hương Trà

Bóng đá vốn được mệnh danh là môn thể thao vua. Nó mang đến cho mọi người niềm vui, sức khỏe, sự gắn kết… Vậy nhưng, không hiểu từ lúc nào, nó cũng trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều gia đình, nhiều số phận. Lỗi không phải do tự thân bóng đá mà lỗi là do “máu đỏ đen” làm vẩn đục, làm “méo mó” quả túc cầu.

Ở các nước, luật cho phép nên người ta cá cược công khai, có quản lý, có thuế má. Có vẻ quy củ và ít nghe ì xèo chuyện nhà cái nhà con. Chạy sang xứ ta, đánh bạc không được pháp luật cho phép, nhưng cái máu đỏ đen thì dân ta nhiều người có vẻ còn vượt trội thiên hạ, nên chuyện cá độ nó tiêm nhiễm, nó lây lan đến độ chóng mặt.

Có thể chưa có thống kê, nhưng chỉ cần quan sát bằng mắt thường, ai cũng có thể thấy nhận xét như trên không phải là hoàn toàn võ đoán. Hãy thử đi một vòng mà xem, các các điểm cà phê bóng đá dù đã có K+ nhưng bao giờ cũng phải có thêm một đôi cái laptop “phụ trợ”, để làm gì vậy?!!; rồi chuyện “kèo trên kèo dưới” rộn ràng công khai nơi các quán nước; các tiệm cầm đồ, dân cho “vay nóng” cũng tất bật, chảnh chọe hơn ngày thường... Kể cả những người bình thường như tôi, như bạn, chợt nhiên cũng được người quen nào đó với vẻ mặt rất “thảm thiết” năn nỉ mượn ít tiền do “kẹt” cái này “kẹt” cái khác rất cấp kíp… Phải có đến hàng tá những chỉ dấu mà người bình thường nhất cũng biết rằng nó chỉ thẳng đến một điểm chung: Cá độ! Để cuối cùng, trong và sau mỗi mùa bóng đá là cửa nhà “trống vắng”, là thẻ đỏ “ở nhờ” nhà người khác, là xiết nợ- trốn nợ, thậm chí là treo cổ, nhảy cầu cùng vô số những hệ lụy khác cho xã hội.

Năm 2016 này, cùng với Euro còn có Copa America. Đó là “mùa” cao điểm. Còn những ngày khác trong năm, đừng tưởng là yên tĩnh. Dân đỏ đen triệt để áp dụng phương châm mùa nào thức ấy. Từ giải quốc tế cho đến giải khu vực, quốc gia, thậm chí đến cả giải cấp… xã phường cũng được tận dụng. Bên cạnh cá độ còn phải kể đến lô đề. Cơn bão lô đề càn quét dai dẳng từ bắc chí nam, từ thành thị xô bồ cho đến nông thôn hẻo lánh và cũng gây nên những di hại không thể nào đong đếm. Trộm cắp, cướp giật, đĩ điếm, xì ke ma túy, tan nát gia đình, băng hoại đạo đức xã hội… suy cho cùng cũng xuất phát từ nạn đỏ đen mà ra cả.

Đã có những đường dây triệu đô, đường dây ngàn tỷ, và bây giờ là đường dây gần cả chục ngàn tỷ bị triệt phá. Nhưng chúng có “sập” hẳn không thì có vẻ chưa ai dám chắc. Có cảm giác chúng như những cái vòi bạch tuộc liên thông, nuôi sống lẫn nhau, chặt rồi lại mọc, lại lan. Cần phải chặt một lúc, chặt triệt để để chúng không còn cơ hội “tái sinh”. Tất nhiên, làm được điều này, đòi hỏi các cơ quan hữu trách phải quyết tâm, phải hợp đồng tác chiến, phải lao tâm khổ tứ rất nhiều mới có thể đạt kết quả. Khó khăn, phức tạp, nhưng cuộc sống bình yên, xã hội phát triển đang mong mỏi lắm điều này.

HUY KHÁNH