Bìa truyện

Đến nay, về miệt ruộng vườn Lục tỉnh vẫn còn nghe dân gian ngâm nga khi trà dư tửu hậu:

“Ghét đời Kiệt, Trụ đa dâm

Để dân đến nỗi sa hầm sỉa hang

Ghét đời U, Lệ đa đoan

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần

Ghét đời Ngũ bá phân vân

Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn…”

Gabriel Aubaret, người đầu tiên dịch truyện thơ LVT ra tiếng Pháp đăng trên Á châu tạp chí (Journal Asiatique) năm 1864 đã đánh giá: “Đây là một cuốn sách hay, vinh danh người Nam kỳ, một tác phẩm thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân dân cả nước thông qua sự nổi tiếng của nó… Mặt khác, phần lớn cuốn sách diễn tả tinh thần trung thực, đam mê và tinh tế… thể hiện bức tranh về phong tục và vị trí xã hội của những người thuộc tầng lớp thấp kém. Điều này mang lại giá trị đặc biệt cho tác phẩm” (Journal Asiatique, serie VI, No. 4, tháng 12/ 1864, tr. 27-28).

Tiếp theo đó truyện thơ LVT đã được in ấn nhiều lần bằng chữ Nôm, quốc ngữ, Pháp văn để phổ biến rộng rãi trong học giới và quần chúng.

Tranh vẽ minh họa của “Vân Tiên cổ tích truyện” 

Thật bất ngờ, cách đây 2 năm, Ts. Pascal Bourdeaux ghé thăm và giới thiệu với tôi về một bản truyện thơ LVT chép tay kèm theo tranh minh họa, đang được tàng trữ tại Viện hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Académie des Inscription et Belles  Lettres) ở Paris, Pháp hơn một trăm năm qua mà chưa từng được công bố. Nhân dịp Gs. Phan Huy Lê được bầu làm Viện sĩ của Viện này (30/9/2011), ông đã được hướng dẫn tham quan thư viện của Viện Pháp (Institute de France), trong số tài liệu quý hiếm được bà  Mireille Pastoureau – giám đốc thư viện – giới thiệu, chính Gs. Phan Huy Lê đã phát hiện tác phẩm Nôm “Vân Tiên cổ tích truyện”.  Sau đó, các thành viên của EFEO (P. Bourdeaux và Olivier Tessier) phối hợp với các học giả Việt Nam nghiên cứu bộ truyện Nôm chép tay thơ-họa này. Đến nay, Viện Pháp cho phép tham khảo bản gốc và sao chụp toàn bộ hình ảnh đủ tiêu chuẩn để xuất bản công bố. Ts. P. Bourdeaux cho biết đã liên hệ với nhiều cơ quan, tổ chức văn hóa đề nghị tài trợ, nhưng chưa được hưởng ứng (2014).

Đầu tháng 6 năm 2016, chúng tôi vô cùng hoan hỉ được một thân hữu trao tặng bộ sách “Vân Tiên cổ tích truyện” vừa phát hành (Nxb.Văn hóa Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 4/2016) nhờ sự hỗ trợ của cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF). Bộ sách gồm 2 tập: Tập 1: Bản thảo có tranh minh họa (gồm 134 tờ tranh minh họa, do Lê Đức Trạch thực hiện cùng với 5 tờ cuối do người khác vẽ.); Tập 2: Lời bình chú bản thảo (chú thích của Eugène Gilbert và chú giải của các nhà biên tập.)

Ngoài bìa sách, phần chính giữa viết bằng chữ Hán: “Vân Tiên cổ tích truyện. Thành Thái cửu niên, lục nguyệt, thập bát nhật. Giám thủ thư lại Lê Đức Trạch chế họa đồ thức.” (Truyện cổ tích Vân Tiên, do Giám thủ thư lại Lê Đức Trạch thực hiện các kiểu tranh vẽ. Ngày 18 tháng 6 năm thứ 9 triều Thành Thái [tức năm Đinh Dậu, 1897]).

Tìm hiểu nội dung, chúng ta biết người tặng bộ sách cho Viện hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Académie des Inscription et Belles  Lettres), đăng kí vào sổ ngày 26/5/1899 - MS3816, là ông Eugène Gilbert (1857-1909). E.  Gilbert là sĩ quan pháo binh hải quân Pháp đầu tiên được cử sang Hà Nội từ 1890-1892, làm việc tại Bộ chỉ huy Pháo binh. Lần thứ hai, từ ngày 16/6/1895 – 22/9/1897, E.  Gilbert đảm trách chức vụ chỉ huy pháo binh tại kinh đô Huế. Là một người biết tôn trọng truyền thống văn hóa bản địa, ông đã tìm đọc và rất tâm đắc truyện thơ LVT (qua bản dịch và chú giải của Abel des Michels – 1883).

Trong thời gian công tác tại Huế, ông có duyên gặp gỡ nhà nho Lê Đức Trạch (LĐT, 1851-1917, người gốc Quảng Nam). E.  Gilbert đã đề xuất ý tưởng và đề nghị thực hiện bộ tranh minh họa cho truyện thơ LVT. Là nhà nho thuần túy, không biết chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp, nên ông đã sử dụng bản Nôm LVT do Lăng Vân Đường phát hành tại Huế vào năm thứ nhất triều vua Đồng Khánh (1886). Kết quả cho thấy:

Nguyễn Đình Chiểu (NĐC), tác giả của truyện thơ LVT là một người con của Thừa Thiên Huế tha hương (thân phụ của NĐC là Nguyễn Đình Huy, quê tại làng Bồ Điền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên). Ông sinh ở Gia Định, năm 12 tuổi thì được cha đưa về Huế học tập đến năm 20 tuổi (1833-1845) mới trở vào quê ngoại ở miền Nam. Do đó, truyện thơ của ông dùng những câu nói rất quen thuộc ở vùng đất Thừa Thiên. Hơn nữa, bản LVT mà LĐT sử dụng là bản Kinh (Huế), chắc chắc đã được nhuận sắc nên có nhiều chữ khác với các bản in phát hành ở miền Nam.

Lê Đức Trạch (1851-1917) tuy vẽ minh họa theo ý tưởng đặt hàng của E. Gilbert, nhưng ông đã lấy bối cảnh kinh đô Huế đương thời để làm cảm hứng sáng tác tranh minh họa cho “Vân Tiên cổ tích truyện”.

Chính trong giai đoạn giao thời giữa hai nền văn hóa Việt-Pháp, việc tiếp thu, tiếp biến đã tạo điều kiện cho văn học, mỹ thuật Việt Nam phát triển nhanh chóng. Thời gian gần đây, chúng ta đã phát hiện và công bố bộ tranh “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn” do Nguyễn Văn Nhân thực hiện năm 1902 tại Huế dưới triều Thành Thái (Nxb. Hồng Đức, 2003); bộ tranh “Triều đình Huế”, do Nguyễn Văn Nhân thực hiện năm 1895, triều Thành Thái (Báo Xuân Thừa Thiên-Huế, 2015). Đặc biệt nay “Vân Tiên cổ tích truyện” do Lê Đức Trạch thực hiện cũng vào thời Thành Thái đã hội đủ nhân duyên xuất bản và phát hành (Nxb. Văn hóa Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2016).

Quả thật đây là những tài liệu rất quý hiếm đã bổ sung cho nhau để người đời sau có được cái nhìn đúng đắn đối với các vấn đề văn hóa thời Nguyễn. Riêng với Thừa Thiên Huế, các tài liệu này còn vô cùng cần thiết để tái hiện bối cảnh truyền thống, sinh hoạt xã hội phục vụ cho các dịp festival giới thiệu văn hóa vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân.

Bài, ảnh: TRẦN ĐÌNH SƠN