Sau hơn một tháng phát động, chương trình tình nguyện “Hãy làm sạch biển” do  Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Trung tâm tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và Tập đoàn Sun Group phối hợp tổ chức thu hút sự hưởng đông đảo của lực lượng đoàn viên, thanh niên, bộ đội biên phòng, ca sĩ nổi tiếng… và tạo hiệu ứng xã hội tốt. Từ thực hiện ở 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), nay chương trình chuyển sang giai đoạn nhân rộng ra 28 tỉnh ven biển của cả nước .

Với đất nước có bờ biển dài trên 3 nghìn km chạy suốt từ bắc chí nam, Việt Nam được đánh giá là quốc gia mạnh về biển và sẽ làm giàu từ biển. Nhưng đáng tiếc, lâu nay chúng ta mới chú trọng đến việc khai thác nguồn lợi từ biển, chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ môi trường biển. Chính sự khai thác bằng các phương tiện tận diệt, tàn phá các rạn san hô, rừng ngập mặn; xả chất thải trong sản xuất, sinh hoạt ra biển... dẫn đến sự suy kiệt nguồn lợi thuỷ sạn, huỷ hoại môi trường biển. Sự cố cá biển chết bất thường vừa xảy ra ở các tỉnh miền Trung chính là hồi chuông báo động về sự tàn phá môi trường biển của con người. Sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua, thiệt hại khó đo đếm bằng con số cụ thể, nhưng lại có tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội và ai cũng có thể nhận rõ.

Với Thừa Thiên Huế, cùng bờ biển dài trên 100km, có nhiều bãi biển đẹp, Thừa Thiên Huế còn có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á, đa dạng sinh học, có nhiều loại đặc sản quý hiếm. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển, thời gian qua các địa phương, nhất là khu vực miền Trung nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng có nhiều dự án đầu tư lớn nhỏ, từ cảng biển, sản xuất công nghiệp đến nuôi trồng thủy sản… Trong quá trình khai thác tiềm năng biển, một số đơn vị, cá nhân vì lợi ích cục bộ, trước mắt đã gây ô nhiễm môi trường biển như việc người dân đổ rác thải sinh hoạt, chất thải nuôi heo ra bờ biển, xả nước thải nuôi tôm chưa qua xử lý ra biển.

Trong xu hướng phát triển hiện nay, yêu cầu đặt ra phải hài hòa giữa phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường. Nhưng để làm được điều này cần có sự chung tay hưởng ứng của toàn xã hội. Được xác định là một chương trình xã hội và dài hơi, “Hãy làm sạch biển” không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi người dân xuống biển dọn rác, mà còn truyền tải mạnh mẽ thông điệp bảo vệ biển, đại dương chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta hôm nay và cho thế hệ con cháu mai sau. Hy vọng, những việc làm tình nguyện, cụ thể đó sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trưởng biển của đông đảo các tầng lớp xã hội.

Tôi rất tâm huyết với chia sẻ của ca sĩ Thu Minh - Đại sứ “Hãy làm sạch biển”của ban tổ chức: “Từ chối show diễn này, tôi có thể đi hát lúc khác, nhưng chứng kiến những cảnh tượng đau lòng về biển mà mình vẫn thờ ơ thì có những thứ quý giá mất đi rồi, mãi mãi sẽ không thể lấy lại được”.

Hoàng Giang