Thí sinh dự thi vào ngành Điêu khắc của Trường đại học Nghệ thuật Huế

“Cho đến bây giờ (10/6/2016), số lượng thí sinh đăng ký mới đạt chưa đầy 50% so với chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường là 210 chỉ tiêu. Năm nay số lượng thí sinh vào trường giảm hẳn, giảm luôn cả thí sinh ở những ngành rất “hot” của trường là Mỹ thuật ứng dụng”, PGS.TS.Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế nói.

Gia hạn thời gian nộp hồ sơ

Sau khi kết thúc thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh vào các môn năng khiếu của Đại học Huế năm 2016 (từ ngày 20/4 đến hết ngày 20/5/2016), do số lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ít hơn nhiều so với chỉ tiêu nên Đại học Huế đã gia hạn thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi các ngành năng khiếu thêm 10 ngày nữa, tức đến hết ngày 30/5/2016. Tuy nhiên, kết thúc thời gian gia hạn, số liệu thống kê đến ngày 30/5 cho thấy số lượng hồ sơ một số ngành năng khiếu vẫn không tăng đáng kể, trong đó khối H (Nghệ thuật) mới có 83 hồ sơ đăng ký/210 chỉ tiêu. Trước tình hình này, Đại học Huế thông báo tiếp tục gia hạn thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi các ngành năng khiếu thêm 15 ngày nữa, tức đến hết ngày 15/6/2016. PGS.TS.Hoàng Hữu Hoà, Trưởng Ban Khảo thí, Đại học Huế băn khoăn: “Mặc dù Đại học Huế đã gia hạn thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi các ngành năng khiếu nhưng so với các năm trước, lượng thí sinh nộp hồ sơ dự thi năng khiếu giảm nhiều, đó là chưa kể sau này điểm thi có đạt đến đảm bảo chất lượng đầu vào hay không?!”.

Phải đi theo hướng đào tạo tài năng

 Nhận định về tình hình số lượng thí sinh vào trường giảm hẳn hai năm trở lại đây, PGS.TS.Phan Thanh Bình cho rằng: “Xã hội đang có những băn khoăn rất lớn đối với những ngành mang tính giải trí hay mang tính ứng dụng. Những ngành này đã bị bão hòa, kể cả những ngành như Mỹ thuật ứng dụng bây giờ ra trường cũng không dễ xin việc như trước. Cho nên nhà trường đang chủ trương - một chủ trương đúng từ xưa đến nay mà chưa làm được thì bây giờ kiên quyết làm - đó là trường phải đi theo hướng đào tạo tài năng chứ không thể đào tạo nguồn nhân lực vì như thế không phù hợp với tình hình hiện nay. Điều này nhà trường đã nhận ra cách đây 10 năm”. Theo PGS.TS.Phan Thanh Bình, đào tạo tài năng thì phải có một chế độ khác để hỗ trợ đào tạo tài năng. “Đến lúc nào đó, Nhà nước và Đại học Huế phải cho phép Trường đại học Nghệ thuật theo chủ trương đào tạo tài năng và phải có chế độ đặc biệt hỗ trợ cho nhà trường, còn nếu như nhà trường chạy theo các trường đào tạo nguồn nhân lực để mỗi năm có vài trăm, vài ngàn sinh viên thì điều đó không tưởng và không phù hợp với nhu cầu xã hội”.

Bên cạnh đó, PGS.TS.Phan Thanh Bình cũng cho rằng, nếu như chuyển thành đào tạo tài năng là trên hết thì một số chế độ cần bao cấp đã được quy định trong văn bản của Nhà nước, chế độ chính sách đặc thù đối với nghệ thuật cần phải được thực hiện triệt để. Làm như vậy, chắc chắn nhà trường sẽ có những chuyển hướng tích cực hơn, thúc đẩy sự phát triển đào tạo của nhà trường, từ đó, chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn rất nhiều và chắc chắn trường sẽ đào tạo ra những tài năng thực sự.

“Nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên,... mọi cái nhà trường đều làm được; riêng một cái rất khó là nhu cầu xã hội thế nào thì nằm ngoài tầm tay của trường. Các trường khác có thể tuyên truyền quảng bá về trường của họ dễ dàng nhưng Trường đại học Nghệ thuật đi quảng bá chỉ ở mức độ thôi vì nó trở thành phản cảm. Nhà trường không thể quảng bá rằng vào đây học trở thành họa sĩ, nghệ sĩ và người dân cần con em mình ra trường việc làm, có lợi ích rất cụ thể. Trong khi làm nghệ thuật mà tính cụ thể thì không được bởi nghệ thuật là luôn luôn hướng về phía trước, là dòng chảy, khả năng phục vụ xã hội về mặt cảm xúc, về mặt thị hiếu thẩm mỹ và nâng cao các giá trị tinh thần. Những điều ấy vẫn còn mơ hồ với người dân. Bây giờ, người ta cần con em họ có việc làm, kiếm ra đồng tiền cụ thể thì nghệ thuật trong mắt họ có thể là hơi xa lạ, thậm chí là phù phiếm nên nghe con thi nghệ thuật người ta đã không muốn”, PGS.TS.Phan Thanh Bình nói.

Ngọc Hà