Thế nhưng việc sử dụng điện là một việc khó khăn trong các trại tị nạn đông đúc và cũng không phải luôn luôn miễn phí để sử dụng điện tại các quán cà phê, nơi đám đông gồm cả người già và trẻ em chen nhau sạc điện thoại trên một ổ cắm.
Người tị nạn chen nhau sạc điện thoại từ nguồn điện do một máy phát điện cung cấp tại biên giới Hy Lạp-Macedonian vào tháng 11/2015. Ảnh: Reuters |
Một nhóm các sinh viên đến từ Đại học Edinburgh hy vọng sẽ thay đổi điều đó khi lên ý tưởng thiết kế một trạm sạc điện thoại di động chạy bằng ánh nắng mặt trời, nguồn năng lượng miễn phí mà Hy Lạp có rất nhiều.
Trẻ em tị nạn đứng ở một trạm sạc pin điện thoại bằng năng lượng mặt trời đặt tại trại Kara Tepe trên đảo Lesbos, Hy Lạp vào tháng 6/2016. Ảnh: Reuters |
Họ đã lắp đặt 2 trạm trong các trại tị nạn, mỗi trạm sẽ tạo ra điện cho 12 phích cắm và chỉ sử dụng năng lượng mặt trời, cung cấp điện miễn phí cho 240 người trên một đơn vị mỗi ngày.
Ý tưởng này được xuất phát trong một chuyến thăm đến hòn đảo Samos vào mùa hè năm ngoái của sinh viên 20 tuổi có tên Alexandros Angelopoulos, một trong những người sáng lập nói trên. Được biết, Samos là một trong những điểm nhập cảnh vào châu Âu của gần 1 triệu người chạy trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói ở Trung Đông và các khu vực khác.
Có hàng trăm người đến bờ biển mỗi ngày, họ ngâm mình trong nước và kiệt sức bám vào những chiếc thuyền cao su từ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ thở phào nhẹ nhõm khi đến hòn đảo. Nhiều người tự chụp ảnh, trong khi những người khác đăng nhập vào các ứng dụng nhắn tin và Google Maps để lên kế hoạch đi tiếp đến Bắc Âu, Alexandros kể lại.
"Mọi người đã mượn điện thoại của tôi để gọi cho gia đình và sử dụng internet. Thông thường, họ phải chen nhau để sử dụng một ổ cắm", Angelopoulos nói.
"Chúng tôi chỉ muốn đóng góp tích cực cho cộng đồng địa phương thông qua nguồn năng lượng tái tạo", người đồng sáng lập có tên Samuel Kellerhals 21 tuổi cho hay.
Cận cảnh một trạm sạc pin điện thoại bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: Reuters |
2 trạm đầu tiên của dự án “Elpis” (có nghĩa là "hy vọng" trong tiếng Hy Lạp) được thiết kế và lắp đặt với sự giúp đỡ của công ty công nghệ năng lượng mặt trời Entec Hy Lạp.
Bây giờ, thêm 3 trạm đang được thực hiện với số tiền quyên góp thông qua việc gây quỹ từ công chúng, một phương pháp tạo ra nguồn quỹ từ số lượng lớn người dân trên internet. Những người sáng lập hy vọng có thể tiếp cận và lắp đặt càng nhiều trạm sạc điện thoại tại các trại tị nạn xung quanh Hy Lạp càng tốt.
Ở trại tị nạn Kara Tepe trên đảo Lesbos, nơi trạm sạc điện thoại đầu tiên được lắp đặt, chính quyền và người dân đang rất phấn khởi.
"Họ hứa với tôi sẽ lắp thêm 3 trạm nữa hoặc nhiều hơn. Đó là một niềm vui lớn", ông Stavros Miroyannis, người quản lý trại Kara Tepe cho biết.
Ông Miroyannis cũng hy vọng một ngày nào đó, toàn bộ điện trong khu vực sẽ sử dụng năng lượng mặt trời. Các tấm pin mặt trời hiện đã có thể thay thế đèn đường.
"Đây là một món quà từ Chúa", ông Miroyannis nói và chỉ tay vào mặt trời.
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & Newday)