Sau hơn 10 năm dấn thân với nghề, những điều mà tôi đã trải qua trong những lần tác nghiệp khó mà kể hết trong một trang báo. Nghề báo đã cho tôi khá nhiều cảm xúc và kinh nghiệm. Một trong những va vấp đó là sự từ chối cung cấp thông tin, bất hợp tác của đối tác, người được phân công phát ngôn mà thời gian gần đây tôi liên tục vấp phải.

Đầu tiên, là sự từ chối của lãnh đạo một cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực ngân hàng, dù cho vấn đề tôi đang viết khá “nóng”, khi đề cập đến sự hỗ trợ của các ngân hàng cho ngư dân sau vụ cá chết bất thường ở miền Trung. Yêu cầu đặt ra của ban biên tập phải có bài đăng ngay để ngư dân yên lòng, góp phần ổn định tư tưởng, cuộc sống. Thế nhưng, khi tôi gọi điện vị này không bắt máy, nhắn tin không trả lời, đến cơ quan báo đi vắng, nghỉ phép…

Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, tôi quyết định đi thẳng tới từng ngân hàng để nắm thông tin. May mắn là các ngân hàng thương mại đều hợp tác, có đơn vị còn sẵn lòng đưa tôi đến gặp ngư dân để có được những thông tin sát hơn. Nhờ thế, tôi có bài đăng kịp thời, phục vụ công tác tuyên truyền đến bạn đọc tốt hơn.

Lần khác, cũng viết bài về lĩnh vực ngân hàng, về những biến động trong giao dịch sau khi lãi suất tiền gửi USD về 0 đồng. Cũng như lần trước, tôi gặp phải sự bất hợp tác của lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước phụ trách ngân hàng trên địa bàn. Khó khăn hơn, một số ngân hàng thương mại từ chối cung cấp thông tin do đã có sự chỉ đạo từ phía cơ quan quản lý.

Vào vai khách hàng, vận dụng mối quan hệ từ trước với lãnh đạo một số ngân hàng, người quen công tác ngành trong ngân hàng…, là những việc tôi đã làm để có thông tin cho bài viết. Hẳn nhiên, bài in đúng thời hạn, chỉ có điều lần này tôi không nhân nhượng, mà còn nêu việc bất hợp tác của vị lãnh đạo nọ trong bài báo của mình.

Trong một diễn biến khác, khi thực hiện chuyên đề về quy hoạch treo. Trước thời hạn nộp bài khoảng một tuần, tôi liên hệ và gửi câu hỏi phỏng vấn, trong đó không quên đề nghị thời gian trả lời muộn nhất.

Một tuần trôi qua, không nhận được hồi âm, dù liên tục nhắn tin, gọi điện. Những lần hiếm hoi nghe máy, đều hứa hôm sau sẽ trả lời, nhưng hết thêm tuần sau nữa vẫn bặt vô âm tín.

Tôi quyết định xin nghỉ buổi học (lúc đó, tôi đang thực hiện lệnh điều động tham gia lớp huấn luyện tự vệ do Ban Chỉ huy Quân sự TP. Huế tổ chức) để đeo bám nhân vật. Đợi đến gần 12 giờ trưa, cuối cùng tôi cũng gặp được người cần phỏng vấn. Song, điều làm tôi chưng hửng, đó là vị này không những không có lời giải thích, xin lỗi về việc trễ hẹn mà còn từ chối luôn việc chụp ảnh. Chúng tôi buộc phải thay vào đó một nhân vật khác có chuyên môn, có thể thông tin đến bạn đọc những nội dung cần thiết.

Nói điều này để thấy rằng, dù ở bất cứ trường hợp nào, cũng phải luôn dự phòng cho mình phương án hai, thậm chí ba, bốn, để khi kế hoạch này vỡ, có thể thay thế bằng kế hoạch khác. Với cả những bài viết trái chiều, cách này lại càng được áp dụng hiệu quả hơn. Không ai muốn nêu những mặt chưa tốt, mặt tồn tại của mình trên mặt báo, thế nên, những phóng viên viết mảng bài phóng sự điều tra, bài có tính chất chống tiêu cực,… càng khó khăn hơn trong tiếp cận thông tin. Và cũng như nhiều phóng viên khác, chúng tôi luôn dự tính các trường hợp xấu nhất để xử lý tình huống trên tinh thần, thái độ mềm dẻo, lịch sự và có văn hóa.

Tâm Huệ