Công nghệ lạc hậu, giá thành cao
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước vào khoảng 30 triệu tấn/năm. Cụ thể, năng lực sản xuất thực tế của Việt Nam ở mặt hàng phôi thép là 12 triệu tấn/năm, thép cán 12 triệu tấn/năm, tôn mạ phủ màu 5 triệu tấn/năm, thép ống 3 triệu tấn/năm. Với quy mô này, ngành thép Việt Nam được đánh giá đang đứng đầu các nước Đông Nam Á.
Đơn cử với phôi thép, từ một quốc gia phải NK phôi thép và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu của nước ngoài, từ năm 2007, nhiều DN trong nước đã đầu tư từ sản xuất thượng nguồn phôi thép. Nếu như trước năm 2010, phôi thép NK của Việt Nam vào khoảng 2 triệu tấn/năm thì đến nay chúng ta đã có phôi thép XK, trong đó năm 2012 Việt Nam đã XK được 360 ngàn tấn phôi.
(Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước, nguồn cung đang vượt xa cầu, do đó hiện nay ngành thép mới chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất. Như vậy, nếu nói về số lượng, rõ ràng Việt Nam không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đang dư thừa công suất, đặc biệt là mặt hàng thép xây dựng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giá thép Việt Nam cao hơn so với thép Trung Quốc NK cùng chủng loại và muốn hay không muốn, điều này cũng phản ánh năng lực sản xuất và cạnh tranh của ngành thép trong cuộc chơi hội nhập. Nguồn cung lớn, đồng thời phải cạnh tranh với thép ngoại giá rẻ NK dẫn đến sự cạnh tranh giữa các DN sản xuất thép trên thị trường trong nước khá khốc liệt, chưa kể cạnh tranh với thép ngoại khi sản phẩm thép Việt Nam XK sang các nước.
Để bảo vệ sản xuất trong nước, Việt Nam đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép NK từ tháng 3-2016 nhưng thực tế đến hết tháng 5, lượng thép NK vẫn không ngừng tăng cao. Do đó, việc giải quyết tận gốc của những bất cập của thị trường thép Việt Nam phải xuất phát từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thép từ sức mạnh nội tại của các DN. Hiện nay, quy mô, trình độ công nghệ của nhiều DN còn hạn chế dẫn đến giá thành, chất lượng sản phẩm chưa thực sự cạnh tranh.
Đại diện Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ cho hay, quy mô sản xuất của DN tương đối nhỏ nên chi phí sản xuất còn cao, sản phẩm chưa cạnh tranh được về giá. Các thiết bị qua nhiều năm hoạt động đã có dấu hiệu xuống cấp, hiệu suất sử dụng chưa đạt yêu cầu, công nghệ ở mức trung bình so với các đối thủ trong nước.
Thực tế, trình độ công nghệ của các DN thép Việt Nam được đánh giá là còn yếu kém. Năng lực tài chính hạn chế dẫn đến nhiều DN chỉ đầu tư dây chuyền với quy mô nhỏ, công nghệ lò điện cũ kỹ, tiêu tốn nhiên liệu và chi phí cao dẫn đến các sản phẩm không có tính cạnh tranh.
Bình luận về năng lực cạnh tranh của ngành thép trong nước, đại diện một DN FDI cho biết, nếu xét sức cạnh tranh về mặt kỹ thuật thì DN Việt Nam rất ổn, nhưng về mặt giá cả thì không ổn. Hiện nay khách mua hàng đều so sánh giá cả của thép Việt Nam với thép Trung Quốc, trong khi giá thép Việt Nam cao hơn. Liên quan đến cạnh tranh của DN thép tại trị trường trong nước, đại diện DN FDI này cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam đang dư thừa công suất, vì thế không nên cấp phép dự án đầu tư vào cán thép tại Việt Nam bởi chắc chắn thị trường sẽ bị hỗn loạn, quy hoạch phát triển ngành sắt thép sẽ bị phá vỡ. Về phía các DN, cần phải tiết giảm chi phí, sản xuất hiệu quả, hạn chế lãng phí trong quá trình sản xuất.
Sức ép cải tổ
Thời gian qua, sau động thái áp thuế tự vệ với thép NK, giá phôi và giá thép xây dựng trong nước tăng cao khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực sản xuất của ngành thép. Giá phôi thép tăng có nguyên nhân do giá thế giới tăng, nhưng tại thị trường Việt Nam, giá phôi tăng “kép” bởi giá thế giới tăng và bởi thuế tự vệ. Đến nay, sau khi có sự vào cuộc của Hiệp hội Thép cũng như các DN sản xuất phôi, thép dài, giá thép trên thị trường đã ổn định.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), sau khi có quyết định áp thuế tự vệ, VNSTEEL đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường sản xuất, đặc biệt là phôi thép để cung cấp cho đơn vị sản xuất trong ngành, thay thế hàng NK, cố gắng không để xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất cũng như sản phẩm trên thị trường, dẫn đến hiện tượng đầu cơ làm thiệt hại cho người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận. Các DN đã thực hiện tương đối tốt vai trò của mình trong việc cung ứng sản phẩm, kiềm chế tăng giá đột biến trên thị trường. Mặc dù có hiện tượng đầu cơ của một số đơn vị thương mại nhưng thời gian không kéo dài với mức độ biến động nhẹ. Thị trường đã có sự điều chỉnh giảm ngay khi các nhà máy đảm bảo đủ nguồn cung.
Trao đổi với Báo Hải quan, đại diện một DN sản xuất các mặt hàng này lo ngại, áp thuế một mặt hạn chế việc tận hưởng lợi thế của hội nhập, mặt khác sẽ hạn chế tính năng động, hạn chế ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh các DN sản xuất phôi thép. Cũng theo vị này, dự báo của Hiệp hội Thép năm 2016 sản xuất thép dài sẽ tăng khoảng 15%, phôi thép khoảng 10%. Theo đó, lượng phôi cần cho sản xuất khoảng 8,5 triệu tấn và lượng phôi có thể đáp ứng từ sản xuất trong nước khoảng 6,5 triệu tấn. Nhìn vào năng lực hiện có của các nhà máy sản xuất phôi trong cả nước thì khả năng tốt nhất cũng chỉ đáp ứng được 6,5 triệu tấn. Như vậy sẽ thiếu khoảng 2 triệu tấn. Hầu hết các DN có cơ sở sản xuất phôi chỉ đáp ứng đủ cho nhu cầu cán thép của họ, trong nước hiện nay chỉ có hai nhà máy chuyên sản xuất phôi với công suất không đáng kể.
Thực tế trong thời gian qua, ngành thép trong nước đã phải rất chật vật để đối phó với một khối lượng lớn thép Trung Quốc giá rẻ NK ồ ạt vào Việt Nam. Bỏ qua những yếu tố gian lận thương mại, hay những biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ XK của Trung Quốc đối với thép, theo các chuyên gia, nói một cách công bằng, giá thành sản xuất của thép Trung Quốc rất cạnh tranh và về lâu dài, sức ép của thép NK vẫn rất lớn.
Vì thế, cơn bão thép NK giá rẻ của Trung Quốc gây ảnh hưởng lớn tới ngành thép Việt Nam thực tế cũng là hồi chuông cảnh báo để các DN ngành thép phải thực sự đặt lên bàn cân những yếu tố liên quan đến bài toán chi phí sản xuất để có sự cải tổ, thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh trong thời gian tới.
Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chỉ là cứu cánh tạm thời khi có những biến động bất thường, về lâu dài, để có thể chủ động cạnh tranh với thép NK và tránh được các rào cản kỹ thuật, các vụ kiện phòng vệ khi XK, các DN thép cần chủ động nâng cao nội lực, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, từ đó xây dựng ngành thép đồng bộ, hiện đại. Điều này cũng góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN.
Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại: Không thể trông chờ biện pháp phòng vệ “Thép là một trong vài ngành được bảo hộ nhiều nhất và lâu nhất. Thực ra ngành thép Việt Nam phát triển rất kém, chủ yếu là thép xây dựng, còn thép đặc chủng để sản xuất những chi tiết làm máy móc hiện đại thì ngành thép Việt Nam chưa làm được. Chính vì được bảo hộ lâu đã khiến ngành thép thiếu sức cạnh tranh, chất lượng yếu, giá thành đắt vì vậy ngành thép của mình rất sợ mở cửa hội nhập. Tuy nhiên, theo xu hướng hội nhập Việt Nam không thể đóng cửa, áp dụng rào cản thương mại mãi. Đứng trước hiện tượng đó, để cạnh tranh, ngành thép dùng biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng làm như vậy cũng chỉ được 1-2 lần. Điều quan trọng là tự bản thân ngành thép phải thay đổi, phải cải cách, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Nếu cứ trông chờ biện pháp phòng vệ như vậy thì không thể tồn tại được. Ngành thép Việt Nam đầu tư quá lớn, theo phong trào điều này là do quy hoạch và chiến lược của Nhà nước sai lầm. Bản thân ngành thép nên cơ cấu lại, đưa khoa học công nghệ vào và liên kết với nhau, lấy năng suất chất lượng làm đầu, không thể trông chờ vào những biện pháp phòng vệ mãi được”. TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế:Nên tập trung vào thép đặc thù, đặc biệt để phát triển “Năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam không cạnh tranh được với Trung Quốc, ngành thép của Anh, châu Âu và nhiều nước khác đang phá sản vì thép Trung Quốc. Có thể nói năng lực cạnh tranh của thép Việt Nam yếu và chưa có hướng thoát rõ ràng, trong khi hướng cần tập trung thì không tập trung. Ví dụ như, việc chọn loại thép phát triển không phù hợp. Chúng ta quá tập trung vào thép xây dựng, trong khi thép xây dựng thì dư thừa và thua Trung Quốc, còn một số loại thép như thép đóng tàu, một số loại thép đặc biệt… đang thiếu thì không sản xuất. Nên tập trung vào thép đặc thù, đặc biệt để phát triển chứ không nên chạy theo những chủng loại thừa. Còn biện pháp tự vệ, giải pháp này chúng ta làm chưa tới, mình chọn chưa đúng thời điểm cũng như cách làm, khiến cho thay vì để hạn chế thép Trung Quốc thì lại tăng thêm, thành ra ngược với mục tiêu ban đầu”. |
Theo Báo Hải quan