Đến Hội LHPN xã Hồng Quảng (huyện A Lưới) nhắc đến công tác thu hút hội viên, cán bộ cũng như hội viên ở đây đều nghĩ ngay đến mô hình phụ nữ giúp nhau ngày công đang được các chi hội áp dụng. Theo các chị, trừ người già không còn sức lao động, còn lại hầu hết phụ nữ làm nông có độ tuổi từ 30 -50 đều tham gia các tổ phụ nữ giúp nhau ngày công.

Chị Hồ Thị Tanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Thượng dẫn chứng: “Để trồng một nương ngô, nương sắn hay phát cỏ một nương keo, nếu làm một mình phải mất 3-4 ngày mới hoàn thành, nay có mô hình đổi công, mỗi tổ 15 – 20 chị tập trung lại, nay làm cho chị này, mai làm cho chị khác, vừa làm vừa chuyện trò, loáng cái là xong, vì vậy ai cũng thích tham gia”. Hình thức đổi công này không chỉ mang lại năng suất trong công việc mà còn tạo điều kiện cho các chị gần gũi và đoàn kết với nhau hơn.

Chị Hồ Thị Nôn, Tổ trưởng Phụ nữ tổ 4 kể, khi mới thành lập, các nhóm giúp nhau ngày công miễn phí nhưng sau đó muốn có kinh phí xây dựng quỹ, các thành viên quyết định thu mỗi ngày công 50 ngàn đồng, những thành viên có hoàn cảnh khó khăn, tổ tình nguyện giúp không. Ngoài ra tổ còn nhận ngày công của người dân trong thôn khi họ có nhu cầu. Số tiền thu được dùng nộp hội phí, đóng góp Quỹ “Mái ấm tình thương”, Quỹ học bổng Nguyễn Thị Định..., còn lại dùng để sinh hoạt, cho nhau vay xoay vòng để phát triển kinh tế. “Không phải làm nương, làm rẫy một mình, không phải bỏ tiền túi nộp hội phí, lại được vay vốn khi cần thiết nên ai cũng thích khi tham gia vào tổ phụ nữ giúp nhau ngày công”, hội viên Hồ Thị Lơ nói. Không chỉ Hồng Quảng, mô hình tổ phụ nữ giúp đỡ ngày công đã được nhân rộng trên nhiều xã khác của huyện A Lưới như A Ngo, A Đớt, A Roàng....

Mô hình chúng tôi lưu tâm là phong trào bóng chuyền của Hội LHPN xã Hồng Thượng, Hội LHPN thị trấn A Lưới…. Chị Hồ Thị Lợi, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Thượng chia sẻ: “Công việc nhà được chồng san sẻ nên sau giờ làm việc các chị có nhiều thời gian rảnh. Để tạo sân chơi cho chị em hội đã thành lập đội bóng chuyền nữ, từ một đội ở thôn 7, nay phát triển lên thành 7 đội. Chào mừng Đại hội Hội LHPN xã vừa rồi, hội đã tổ chức giải bóng chuyền nữ liên thôn thu hút nhiều hội viên tham gia”.

Chị Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới cho biết: Để chị em gắn bó, xem hội là điểm đến của phụ nữ thì cán bộ hội phải là những “chủ nhà” niềm nở, thân thiện. Vì vậy, cán bộ phụ nữ từ huyện đến cơ sở đều dành thời gian về thôn, bản tuyên truyền vận động hội viên các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các nhiệm vụ phong trào của hội. Tuyên truyền, vận động một lần chưa được thì hai lần, ba lần. Nói tiếng Kinh chị em chưa hiểu thì chúng tôi nói tiếng của đồng bào. Cùng với công tác tuyên truyền, chúng tôi triển khai giúp đỡ cây giống, con giống, tạo điều kiện giúp chị em vốn vay phát triển kinh tế. Khi thấy được quyền lợi của mình, các chị sẽ tự nguyện tham gia. “Vất vả cực nhọc là điều không tránh khỏi, song mỗi lần tổng kết thấy tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ ngày càng giảm, nhiều cặp vợ chồng trước đây thường xuyên xảy ra bạo lực nay đã có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc, tỷ lệ hội viên tích cực tham gia phong trào hội ngày càng tăng... thì sự vất vả đó chẳng thấm vào đâu”, chị Tường bộc bạch.

Tuấn Khoa