Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo HNB tỉnh chung vui cùng các tác giả đạt giải Nhì - giải báo chí tỉnh 2016

Mùa giải năm nay, Hội đồng Giải Báo chí Thừa Thiên Huế đã thẩm định 40 tác phẩm, trong đó có 25 tác phẩm báo in, 13 báo hình, 1 báo phát thanh và 1 chùm phóng sự ảnh, được tuyển chọn qua vòng sơ khảo từ các chi hội nhà báo và cơ quan báo chí: Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế, VTV8, CLB Nhà báo Hưu trí, Văn phòng thường trú, cơ quan đại diện trên địa bàn gửi đến tham dự.

Nhìn qua chất lượng và sự đa dạng của tác phẩm dự giải năm nay, các tác giả đã có bước tổng hợp và khẳng định mới về chủ đề, thể loại và có sự tích hợp mới về tư duy nghề nghiệp để thể hiện thành những tác phẩm mang đặc trưng riêng cho từng loại hình báo chí. 40 tác phẩm đều tập trung thể hiện các bình diện đa dạng, phong phú của con người và xã hội hiện thực, với cái nhìn nhân văn mang tính thời sự, giải đáp những vấn đề về nhân sinh, cuộc sống và con người.

Các tác phẩm ưu tiên và quan tâm đến những đề tài “nóng” về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành tỉnh phát triển trên nhiều mặt.

Hội đồng chấm giải quan tâm đến cụm bài về doanh nghiệp và hội nhập như: “Doanh nghiệp Huế trước thềm hội nhập”, “Bác sĩ ngoại đến Huế học nghề”. Chùm bài về môi trường, biên giới như: “Tiếng gọi của các loài linh trưởng”, “ Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Uột èo kết quả tình yêu”... Cụm bài về kinh tế, dân sinh như: “Nuôi tôm trên cát – đánh bạc với trời”, “Vốn vay chính sách: Quản lý lỏng, sử dụng sai…

Các tác giả đã quan sát, nghiền ngẫm và xem những vấn đề trọng tâm ấy chính là bài học đã, đang và sẽ phải thường xuyên giải quyết để không ngừng tạo ra sức bật mới, giải pháp mới làm cho đời sống kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế thực sự năng động, đúng hướng và có tính chiến lược, sách lược tối ưu nhất.

Cụm các phóng sự, phim tài liệu ngắn về vấn đề hiện thực và con người trong kháng chiến, về giáo dục đào tạo, như: “Bức di ảnh của người cựu cán bộ liên lạc”, “Lớn lên trên đất kinh kỳ” “Chủ tịch xã...đạp xe khắp xó”... khá xúc động.

Chúng tôi cũng muốn đề cập đến những phóng sự lẻ nhưng có tác dụng tích cực đối với xã hội; có tác dụng đánh thức lương tri và công lý cho mọi người trước những vấn đề thực tế và hiển nhiên cần phải tôn trọng như: Khó khăn trong việc triển khai “Đề án bảo vệ nhà vườn Huế 2015”. Huyện Phú Vang: Buông lỏng QL tại Ban ĐTXD, trách nhiệm thuộc về ai, Những bất cập trong triển khai Nghị định 67, Bi hài câu chuyện giải phóng mặt bằng ở Nam Đông, Du lịch Huế: bên xây bên phá... Những phóng sự này có liên quan đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, về quản lý vốn, vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, về triển khai NĐ 67 của Chính phủ… nên tạo được sự thuyết phục và đồng thuận cao trong công chúng bạn đọc, bạn xem truyền hình.

Nhìn chung, nhiều phóng sự, điều tra, bài phản ánh dự thi năm 2016 đã thực sự làm thổn thức tình người, tình đời qua những trăn trở, suy tư của nhà báo. Các tác giả đã xông xáo tác nghiệp ở những vấn đề nóng bỏng, trọng điểm của đời sống để có được những tin tức, sự việc có ý nghĩa, qua đó đề xuất những giải pháp và hướng mọi nỗ lực của toàn xã hội vào những mục tiêu cao đẹp, nhân ái.

Với sự nghiêm túc, công tâm và chịu trách nhiệm, các thành viên Hội đồng chấm giải chung khảo đã thống nhất đề nghị trao 20 giải thưởng cho các tác phẩm có chất lượng tốt, gồm: 5 giải nhì, 9 giải ba và 6 giải khuyến khích, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của ban tổ chức.

Tuy vậy, có thể nói, mùa giải năm nay, còn thiếu những tác phẩm xuất sắc, những tác phẩm phản ánh về gương điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, phê phán quyết liệt cái xấu... Đó cũng là lý do chưa có giải nhất được trao. Điều này đang và sẽ đặt ra thách thức mới cho đội ngũ những người làm báo trên địa bàn để có tác phẩm hay hơn cho mùa giải sau.

Dương Phước Thu