1.000 khóa học trực tuyến miễn phí sẽ được cung cấp cho người tị nạn. Ảnh: Reuters
Được công bố ngày hôm qua nhân dịp kỷ niệm Ngày Tị nạn Thế giới 20/6, chương trình có trụ sở tại Mỹ này sẽ cung cấp các khóa học trực tuyến cho người tị nạn trên toàn thế giới với sự giúp đỡ của các trường đại học trong cả nước và ở các nơi khác.
Theo Coursera - công ty công nghệ giáo dục chuyên cung cấp các khoá học trực tuyến đại chúng mở (MOOC), người tị nạn sẽ có cơ hội được tiếp cận với các khóa học tại các trường như Đại học Harvard ở Hoa Kỳ và Đại học Edinburgh ở Scotland với nhiều chủ đề, từ mã hóa máy tính cho đến khoa học thần kinh, mà thông thường sẽ có mức học phí dao động từ 29 USD đến 99 USD.
Chương trình này, được xúc tiến trong sự hợp tác chung với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, sẽ cho phép các tổ chức phi lợi nhuận xin hỗ trợ tài chính cho những người tị nạn để tham dự các khóa học miễn phí. Các Đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ cũng có nghĩa vụ phải thúc đẩy sáng kiến trên.
"Khóa học của Coursera giành cho người tị nạn được thiết kế để cung cấp cơ hội cho càng nhiều người được tiếp cận tốt hơn với việc giáo dục các kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp càng tốt, khi họ phải di tản đến một nơi ở mới và lâm vào thời điểm khó khăn trong cuộc sống", Bà Rebecca Taber, Giám đốc Hợp tác Chính phủ của Coursera biết trong một tuyên bố .
"Coursera giành cho người tị nạn ra đời dựa trên công việc của chúng tôi nhằm giúp mọi người thành công trong nền kinh tế toàn cầu", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề giáo dục và văn hóa Evan Ryan khẳng định.
Đại học Kiron có trụ sở tại Berlin cũng cung cấp các khóa học trực tuyến và bằng cấp cho những người tị nạn mà không thu phí, thông tin được đăng tải trên trang web của trường cho thấy.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, 65,3 triệu người đã phải di dời trong năm ngoái. Nhiều người trong số những người tị nạn đến từ Iraq và Syria, những quốc gia đang bị tàn phá bởi nhóm khủng bố cực đoan IS.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & PressTV)