Tứ Hạ là phường trung tâm của thị xã Hương Trà với hơn 2.200 hộ dân. Trước đây, việc xử lý rác thải sinh hoạt khá tùy tiện. Hầu hết các hộ tự “xử lý” bằng cách tự chôn, lấp, đốt; hoặc vô tư vứt rác ra bờ ruộng, mương, ven đường. Cách làm này đã làm ô nhiễm môi trường và trở thành nỗi bức xúc của nhiều người. Nay, hình ảnh “xấu xí” này không còn nữa, thay vào đó là bộ mặt khang trang, sạch đẹp trên các tuyến đường, nếp sống văn minh đô thị của người dân được nâng lên.

Ông Nguyễn Trọng  Khâm, Chi hội trưởng CLB xây dựng nếp sống VMĐT phường Tứ Hạ cho biết: “Tuy mới thành lập, số hội viên ít (35 người) nhưng qua những buổi sinh hoạt, tuyên truyền về xây dựng VMĐT, hiện, không chỉ hội viên mà kể cả người dân cũng hình thành thói quen xây dựng nếp sống văn minh”.

Hàng tuần, bà con tự giác tham gia làm vệ sinh đường phố, ngõ xóm. Tài sản công, cây xanh vỉa hè cũng được giữ gìn, bảo quản và chăm sóc tốt. Tình trạng treo dán quảng cáo, bày bán hàng hoá bừa bãi, không đúng nơi quy định giảm đáng kể. Việc đậu đỗ xe lấn chiếm lòng lề đường, bán hàng rong và ăn xin trên địa bàn cũng không còn”. Ông Khâm chia sẻ thêm, trước đây, nhận thức của người dân còn kém, ai vứt rác thì mặc ai. Hình ảnh vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật được vứt bừa bãi trên đồng, dọc đường không phải là hiếm. Từ khi CLB thành lập, được phường đầu tư thùng rác, đặt đúng nơi quy định thì người dân đều tự giác bỏ vào thùng. Ruộng đồng cũng sạch, đẹp hơn. Ý thức hội viên đã góp phần hình thành thói quen xây dựng nếp sống VMĐT lan tỏa cả cộng đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Tứ Hạ, Hoàng Tấn Son cho hay: Người dân phát huy được tính dân chủ, sống và làm việc theo pháp luật, theo quy ước văn hoá của cộng đồng. Khi tham gia giao thông, người dân, nhất là lớp thanh niên đều chấp hành việc đội mũ bảo hiểm, không đánh võng, lạng lách.

Chị Khánh Hồng, người dân phường Tứ Hạ vui vẻ: “Qua các buổi sinh hoạt của CLB, ý thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình cũng được nâng cao. Hội viên tham gia về “rỉ tai” chỉ bảo cho chị em khác. Nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, cân bằng giới được ổn định”.

“CLB vừa mới thành lập cũng gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ về mô hình tổ chức, kinh phí còn eo hẹp và hầu như không có quỹ hỗ trợ. Sự hưởng ứng, đồng thuận của hội viên và người dân đã góp phần đưa CLB ngày một đi lên”, ông Khâm cho biết. Lối sống vì cộng đồng luôn được mọi thành viên trong CLB hưởng ứng, cùng giúp nhau trong phát triển sản xuất, nhờ thế, nhiều gia đình đã thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống. Từ khi có CLB, mọi hoạt động dù là nhỏ nhất vẫn được mọi người cùng tham gia, tích cực hoạt động, không chỉ là việc của riêng ai, mà đó như là ngôi nhà chung để mọi người cùng học hỏi, chia sẻ”.

TRÚC NGUYỄN - ĐOÀN TÂN