4 lần đi hỏi cưới, chàng trai KaTu mới rước được “nàng” về “dinh”

“Yêu đến cùng”

Câu chuyện tình của chàng trai Hồ Sỹ Hưng và “cô gái” Cao Thị Duyên bắt đầu từ những ngày họ cùng làm công nhân tại Công ty Scavi Huế (đóng trên địa bàn huyện Phong Điền). Duyên “chấm” Hưng vì anh chàng là người tốt tính thật thà, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác. Còn trong mắt Hưng, cô nàng Duyên thật đáng yêu vì nét tinh nghịch dễ gần. Khi tình cảm đã “chín”, Duyên đưa Hưng về ra mắt cha mẹ (ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Quãng đường gần 400 km nhiều đoạn bụi đỏ mịt mù có là gì đối với những người đang yêu. Vậy nhưng, chàng trai như “chết đứng” khi bố mẹ Duyên không chấp nhận, bởi lo ngại Hưng là người dân tộc Ka tu, con gái họ là người dân tộc Kinh. Bố mẹ Duyên ngại rằng phong tục tập quán không giống nhau, cuộc sống của vợ chồng dễ nảy sinh mâu thuẫn bất hòa, không hạnh phúc. Thêm nhiều lần “đánh đường” ra nhà người yêu để tỏ tình cảm chân thành, Hưng vẫn bị bố mẹ Duyên “cự tuyệt”. Nhưng tình yêu vẫn mặn nồng. Khi lỡ mang thai, Duyên rất lo lắng. Hưng thì bảo có bờ vai của anh, mẹ con Duyên cứ yên tâm.     

Lúc đó Hưng đã về làm Trung đội trưởng dân quân cơ động xã Hương Lâm. Ở núi rừng A Lưới, nhưng lòng chàng trai luôn để tận Quảng Bình, nơi người yêu thương đang sống. Nghe Hưng trình bày về tình yêu với Duyên, việc Duyên đang mang trong bụng con của hai đứa, bố mẹ Hưng ủng hộ con trai thuyết phục bằng được gia đình Duyên chấp nhận. Cha mẹ Hưng bán bò, heo được 30 triệu đồng, chuẩn bị cho đám cưới. Bọc số tiền vào chiếc túi vải mang theo mình, người bố cả đời lam lũ, chỉ quanh quẩn với rừng rẫy, với hạt lúa và con cá suối, cùng con trai vượt quãng đường xa ngái bằng chiếc xe máy cà tàng, đi hỏi cưới dâu. Nhưng bố mẹ Duyên không đồng ý. Lần thứ hai bố con Hưng vượt đường xa, mẹ của Duyên mềm lòng. Tuy nhiên, bố Duyên vẫn “lắc đầu”. Đến lần thứ tư, bố Duyên rưng rưng cảm động trước cảnh hai cha con Hưng và chiếc xe máy nhuộm đỏ bụi đường. “Mình nói bố yên tâm, khi con đã yêu Duyên là yêu và chăm sóc đến cùng. Lúc bố gật đầu, cái bụng mình vui mừng lắm”. Vậy là sau khi Duyên sinh con gái, hai bên gia đình tổ chức lễ cưới.

Hạnh phúc

Khi chúng tôi tìm đến, Hưng đang chơi đùa với con gái và con trai nhỏ. Giọng người vợ từ bếp với lên ngọt ngào: “Chút nữa là thức ăn chín. Anh tắm cho con rồi ăn cơm trước để kịp về Huế (TP Huế). Em đợi bố mẹ cùng ăn”. Hưng (hiện là Xã đội phó xã Hương Lâm) chia sẻ, đang theo học đại học Hành chính tại TP Huế nên mỗi dịp về anh tranh thủ chơi đùa hoặc chăm sóc con, đỡ đần chia sớt với vợ việc nhà việc cửa. Duyên tươi cười tiếp lời chồng, bảo “hồi còn yêu”, cô cũng lo sẽ không quen với cuộc sống nơi rừng núi. Khi mới về A Lưới, cô hầu như không ăn được vì món nào cũng quá cay, sợ hãi những con vắt “bắn” vào tận nhà khi không khí ẩm ướt và “xanh mắt” bởi những gùi củi nặng trĩu giữa tiết trời như đổ lửa. Bố mẹ chồng tinh ý bảo: “Con dâu ở nhà chăm cháu, ăn được món nào thì nấu món đó. Bố mẹ sẽ “ăn theo” con dâu. Không có nồi cơm điện nên ban đầu em nấu cơm khi sống khi cháy. Vậy nhưng bố bảo, không phải do con dâu mà do củi. Con dâu học từ từ rồi quen nấu củi thôi. Đến hôm em nấu cơm “đỡ đỡ” một chút, bố khen bữa nay con dâu nấu ngon, bố mẹ ăn nhiều”. Duyên kể, đứa con trai nhỏ hay đau ốm phải thường xuyên đưa về Bệnh viện Trung ương Huế chữa trị, nên lắm khi rất “kẹt”. Vì điều đó, đôi lúc trong bữa cơm vợ chồng cũng tiếng qua tiếng lại. Bố mẹ chồng nhẹ nhàng bảo: “Ăn cơm không được nói nhau, vì như thế cơm không ngon nữa. Thức ăn không có chi mà vui vẻ thì vẫn ngon. Vợ chồng em “tỉnh” ra liền”. Cô biết ơn vì bố mẹ chồng rất tâm lý, thông cảm, ân cần chỉ dạy mọi thứ và thực lòng thương yêu con dâu như con ruột.

Trưa đứng bóng, bố mẹ chồng Duyên từ rẫy về. Con dâu vội chạy ra cái giếng đầu ngõ kéo nước cho mẹ chồng. Trên gương mặt sạm nắng của ông Hồ Sỹ Bắt (bố chồng Duyên) nở nụ cười hiền lành thân thiện: “Khi giao con gái, ông bà sui gia đã nhờ cậy vợ chồng tôi. Con dâu từ xa đến đây, xa cha xa mẹ, lỡ có việc gì làm chưa được mình la mắng thì tội lắm. Mình cứ từ từ chỉ dạy con sẽ biết. Từ khi có con dâu về, cả nhà tôi tập nói tiếng phổ thông. Mình nói tiếng Katu, con dâu chưa hiểu nó buồn, tội”. Bây giờ không chỉ những người trong gia đình ông Bắt rành tiếng phổ thông “của con dâu” mà cô con dâu cũng thông thuộc ngôn ngữ “của nhà chồng”- tiếng dân tộc Ka tu. Đó là cách họ cố gắng hiểu nhau, vì nhau, để có một cuộc sống đầm ấm vui vẻ hạnh phúc.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH