Đi ngang qua các trường học vào đầu hoặc cuối giờ tan trường mới thấy phần đông các cháu học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện (gọi tắt là xe điện) để đi học. Do chưa đủ tuổi học bằng lái xe và nhà trường cũng cấm đi xe máy nên phụ huynh sắm cho các cháu phương tiện này cũng là điều dễ hiểu. Ưu điểm là không tốn nhiên liệu (xăng), đi nhẹ nhàng, nhanh và cũng giúp hỗ trợ sức khỏe cho các cháu khi phải “chạy sô” đi học thêm quá nhiều.

Nhiều lần đi xe máy trên đường bắt gặp nhiều cô cậu học sinh đi xe điện phóng vượt qua. Nhìn đồng hồ xe máy của mình đang chạy với tốc độ 30 km/giờ thì xe điện ít nhất là chạy trên 40 km/ giờ mới vượt mặt qua nhanh như vậy. Cũng không hiếm thấy phần lớn các cháu không đội mũ bảo hiểm, trong khi điều 8 của Nghị định 171/2013 của Chính phủ ghi rõ mức xử phạt từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng nếu “không đội mũ bảo hiểm hoặc không gài quai theo đúng quy định”. Quan sát gần trường học cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cháu đi hàng hai, hàng ba, vừa đi vừa trêu chọc nhau dọc đường. Có lần, thấy các cháu vào quán uống nước tôi thử hỏi: “Cháu có biết luật giao thông là đi xe điện phải đội mũ bảo hiểm không?” Các cháu vô tư trả lời là chưa được học, trường có phổ biến nhưng không để ý lắm. Có cháu còn hồn nhiên: Có biết phải đội mũ bảo hiểm nhưng không thấy các chú công an kiểm tra nên không đem theo, sợ mất.

Xe đạp điện, xe máy điện trở thành phương tiện đi lại bình thường và phổ biến hiện nay. Tuy được xếp vào loại phương tiện thô sơ nhưng độ cồng kềnh và tốc độ đi lại không kém xe máy. Các trường học đã quan tâm phối hợp với cảnh sát giao thông phổ biến luật cho các cháu nhưng khâu kiểm tra nhắc nhở còn hạn chế. Nói đúng hơn là mới phổ biến theo đợt mà chưa chú trọng nhắc nhở thường xuyên. Các bậc phụ huynh không khuyên bảo, quản lý khi cho con em đi xe đạp điện ra bên ngoài. Các lực lượng kiểm tra cũng chưa chú ý kiểm tra nhắc nhở các cháu sử dụng phương tiện này khi lưu thông trên đường. Từ đó nảy sinh chủ quan trong ý thức chấp hành luật của các cháu. Từ sự thiếu quan tâm của người lớn, vô tình đã để các cháu xem thường pháp luật. Mong rằng, các bậc phụ huynh, nhà trường và lực lượng cảnh sát cần quan tâm giáo dục, kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên, đừng để con em chúng ta “nhờn luật” từ khi tuổi còn quá trẻ!.

NGUYỄN PHƯỚC AN HÒA