Đó là một trong những kết quả khảo sát trên hàng trăm đối tượng quan tâm đến việc học gồm sinh viên, học sinh và người đi làm do Cổng thông tin giáo dục EasyUni công bố vào ngày 23/6.
Với nhóm khảo sát trả lời đồng ý học tập trong nước, thì có đến trên 64% cho biết lý do chọn học trong nước xuất phát từ chi phí học tập thấp, phù hợp với điều kiện tài chính thực tại. Trong khi đó chỉ 21% tin rằng họ sẽ có cơ hội thực tập và cọ xát thực tế trong thời gian học.
59% người Việt trẻ mong muốn được học tập ở nước ngoài
Một điều đáng chú ý, có đến 79,6% trong nhóm chọn học trong nước lại sẵn sàng chuyển tiếp ra nước ngoài học khi có cơ hội. Con số này thể hiện rõ du học có sức hút lớn đối với rất nhiều sinh viên, học sinh.
Với nhóm chọn hình thức du học thì có đến 38% cho rằng họ tin tưởng vào chất lượng đào tạo giáo dục, 36% cho rằng lựa chọn du học là cách để được trải nghiệm và cọ xát thực tế vào chuyên ngành đang học tập ở nước sở tại.
Bên cạnh đó, hơn 19% nhìn nhận việc đầu tư du học là để đổi lấy tấm bằng có giá trị quốc tế, tạo điều kiện dễ dàng cho công việc sau này. Sinh viên Việt Nam quan tâm đến các trường học ở các nước Mỹ, Úc, Anh.
Tuy nhiên, một thực tế là việc thích nghi với cuộc sống tại quốc gia khác không phải là một điều dễ dàng, bởi sự phát sinh hàng loạt các thay đổi từ văn hóa, ngôn ngữ, năng lực học tập, nên sẽ ít nhiều gây khó khăn cho người học, nhất là trong giai đoạn đầu.
Gần 37% trả lời họ gặp khó khăn khi thiếu thông tin về chi phí và các chính sách hỗ trợ chi phí. Đây là một trong những rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến quyết định du học của họ. Sự thiếu hụt thông tin và định hướng về nghề nghiệp tương lai cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngành học phù hợp.
52% cho rằng chi phí học và sinh hoạt cao là lý do chính tạo nên rào cản trên con đường đi du học của mình.
Do thiếu thông tin về trường học, khóa học, quy trình nhập học, visa nên trên 31% sinh viên chấp nhận thông qua các trung tâm tư vấn du học để được hướng dẫn. Gần 29% người học tìm kiếm thông tin qua các cổng thông tin về giáo dục và chỉ gần 26% các sinh viên tự thân tra cứu, tìm hiểu thông tin về du học.
Theo Dân trí