Tiến độ giải tỏa chậm

Từ Quốc lộ 1A rẽ vào con đường phía đông đầm Lập An, không còn cảnh mua bán hàu tấp nập như những năm trước. Trên đầm, nhiều cọc tre nuôi hàu đã được tháo dỡ. 

Thu hoạch hàu ở đầm Lập An

Ông Đặng Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: “Trả lại mỹ quan cho đầm Lập An nói riêng và tất cả khu vực Lăng Cô nói chung là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Thời gian qua, thị trấn đã kiểm tra không để phát sinh thêm hộ nuôi hàu trên đầm Lập An, khu vực sát đường Quốc lộ. Nhờ vậy, số hộ nuôi hàu và quy mô nuôi không tăng. Tình trạng phơi lốp, thải vỏ hàu không còn lộn xộn và nhếch nhác như trước”.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Lộc cho hay, đến nay, các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với thị trấn Lăng Cô giải tỏa được 30 ha. Hiện trên đầm Lập An còn khoảng 200 ha nuôi hàu bằng cọc tre gắn giá thể lốp xe. Thời gian đến, tiếp tục giải tỏa hết tất cả cọc tre còn lại trên đầm, trong đó, sẽ ưu tiên khu vực phía đông đầm, sát Quốc lộ 1A.

Vùng quy hoạch nuôi hàu mới tại đầm Lập An nằm hoàn toàn ở phía tây đầm, có diện tích 100 ha và được chia thành 5 khu vực. Mỗi khu vực có chiều dài 200m, cách nhau 15-20m, có độ sâu 5m, cách bờ 50m và tránh những luồng lạch ảnh hưởng đến tàu, thuyền ra vào đầm.

Ông Mai Văn Xỉ, Phó phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc thẳng thắn nhìn nhận: “Diện tích nuôi hàu bằng cọc tre, giá thể lốp xe cần giải tỏa còn nhiều. Khó khăn lớn nhất là dù các cọc tre do chính người dân chôn xuống đầm, nhưng giờ họ không chịu nhổ. Chính quyền phải tiến hành cưỡng chế tháo dỡ. Trong khi đó, chi phí giải tỏa lớn, chỉ riêng 30 ha mới giải tỏa xong chi phí thuê nhân công đã tốn hơn 200 triệu đồng. Nhưng đó cũng là phương án cưa ngang mặt đất, còn nếu nhổ lên toàn bộ sẽ kéo dài thời gian và tốn kinh phí hơn”.

Thay thế lốp xe bằng bè tre

Một hộ nuôi hàu có tiếng ở Lăng Cô cho hay, nuôi hàu bằng lốp xe có từ lâu, chi phí đầu tư thấp. Nguyên vật liệu dễ kiếm, các thao tác kỹ thuật dễ dàng, thu hoạch và vệ sinh nhanh. Hàu bám trên lốp xe nhiều nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi chuyển sang các mô hình nuôi mới, không biết hiệu quả như thế nào, nhưng chi phí ban đầu để mua tre lớn, thời gian sử dụng cũng ngắn, chỉ được khoảng 1-2 năm.

Người dân bán hàu bên đầm Lập An

Ông Đặng Trường Sơn, cho hay: “Khi chuyển đổi một mô hình cần phải có thời gian thử nghiệm, khảo sát, phân tích kết quả. Từ đó, có phương án thay thế tối ưu, mang lại lợi ích và hiệu quả cho người dân. Chuyển đổi mô hình nuôi hàu cần có thêm thời gian và có sự vào cuộc hơn nữa của các cơ quan chức năng để giúp người dân ổn định sinh kế”.

Mới đây, Khoa Thủy sản, Trường ĐH Nông lâm Huế có kết hợp với thị trấn Lăng Cô nuôi thử nghiệm hàu Thái Bình Dương. Vì nhiều lý do khác nhau nên hàu chậm lớn so với kế hoạch nên chưa có báo cáo hiệu quả. Gần đây, hàu đã phát triển bình thường trở lại, nếu đạt hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình toàn vùng nuôi.

Ông Mai Văn Xỉ khẳng định: “Hai mục tiêu đặt ra trong thời gian đến là tất cả các hộ nuôi phải vào vùng quy hoạch, không được phát sinh ở các khu vực khác; chuyển từ nuôi hàu bằng cọc tre, giá thể nuôi từ lốp xe sang nuôi bằng bè tre và vỏ hàu tự nhiên gắn vào bè tre âm dưới mặt nước. Chi phí nuôi tăng lên nhưng sẽ đảm bảo tính bền vững và mỹ quan của đầm Lập An. Ngoài ra, để đảm bảo sinh kế cho các hộ nuôi đã giải tỏa, chúng tôi sẽ vận động người dân chia sẻ diện tích nuôi với nhau và kết hợp họ lại thành từng tổ khoảng 20 thành viên để chia sẻ lợi ích chung”.

Đức Quang  - Tố Uyên