Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng. Ảnh: Reporter |
Trước đó vào đầu tháng này, một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng đã công nhận Ấn Độ là một “Đối tác Quốc phòng chính” của Mỹ, mối quan hệ đặc biệt đánh dấu mức độ hợp tác quân sự "có một không hai" giữa hai quốc gia.
Theo một quan chức cấp cao của ông Obama, "Ấn Độ hiện có thể tiếp cận công nghệ quốc phòng ngang bằng với các đồng minh hiệp ước của Mỹ. Đó là một mối quan hệ rất đặc biệt, bởi Ấn Độ là quốc gia duy nhất có thể thực hiện điều đó".
Các quan chức Mỹ ước tính, Ấn Độ có khả năng tiếp cận lên đến "99%" tất cả công nghệ quốc phòng hiện có sẵn của Mỹ .
Chuyên gia về Ấn Độ tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment (Mỹ), ông Ashley Tellis nói rằng, mối quan hệ đặc biệt này có nghĩa là "mặc dù Ấn Độ sẽ không thể là một đối tác liên minh của Mỹ, chính quyền Mỹ cũng tìm cách mang lại quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến cho Ấn Độ, lợi ích chỉ dành riêng cho các đồng minh thân cận của Mỹ".
"Quyền tiếp cận đó được sử dụng với mục đích cho cả thế giới biết rằng, Ấn Độ đang được xem là một đối tác duy nhất của Mỹ", ông Tellis nói thêm.
Trong một động thái liên quan, ông Richard M. Rossow, chuyên gia nghiên cứu chính sách Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ nhận định: "Ngày hôm nay, New Delhi mong muốn có được công nghệ quốc phòng tiên tiến của Washington, trong khi Washington muốn sự minh bạch trong các hoạt động ở New Delhi để đóng góp cho an ninh khu vực trong tương lai".
Thanh Ngân (Lược dịch từ Sputniknews)