Một người phụ nữ mang mặt nạ bảo vệ trong một khu vực thương mại bị ô nhiễm nặng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hiện có khoảng 6,5 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm do chất lượng không khí kém, khiến ô nhiễm không khí trở thành mối đe dọa lớn thứ 4 đối với sức khỏe của con người, sau huyết áp cao, rủi ro trong chế độ ăn uống và hút thuốc lá.

Các chất ô nhiễm độc hại trong không khí như những hạt vật chất chứa axit, kim loại, đất và hạt bụi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Những hạt vật chất siêu nhỏ có thể gây ra ung thư phổi, đột quỵ và bệnh tim.

Chất gây ô nhiễm chủ yếu được phát thải từ việc sản xuất và sử dụng năng lượng không được kiểm soát hoặc không hiệu quả, IEA khẳng định trong một báo cáo đặc biệt về năng lượng và ô nhiễm không khí.

Nếu không có hành động kịp thời, tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời sẽ tăng lên 4,5 triệu ca vào năm 2040 từ khoảng 3 triệu ca hiện nay. Đáng chú ý, châu Á sẽ chiếm gần 90% số lượng gia tăng của các trường hợp tử vong.

Mặc dù lượng khí thải toàn cầu được dự báo sẽ giảm tổng thể đến năm 2040, chính sách năng lượng hiện có được cho là không đủ để cải thiện chất lượng không khí, báo cáo nói thêm.

"Nếu không có những thay đổi về cách mà thế giới sản xuất và sử dụng năng lượng, những tác hại do ô nhiễm không khí đối với cuộc sống của con người sẽ gia tăng", IEA nhấn mạnh.

Cũng theo IEA, những chính sách về năng lượng và chất lượng không khí mới có thể giúp không khí trở nên sạch hơn, chẳng hạn như việc làm sạch bếp nấu trong các hộ gia đình bằng cách thay thế những loại nhiên liệu kém hiệu quả; tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông đường bộ; kiểm soát phát thải và chuyển đổi nhiên liệu trong ngành điện và năng lượng để đạt hiệu quả cao hơn.

Những biện pháp này có thể làm lượng khí thải toàn cầu giảm xuống 7% đến năm 2040. Kết quả là, những cái chết sớm do ô nhiễm không khí sẽ giảm xuống còn 2,8 triệu ca vào năm 2040.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & Reddit)