Start-up Việt đi Mỹ
Đào Xuân Hoàng, người tạo phần mềm Monkey Junior, trò chuyện cùng Văn Đinh Hồng Vũ, người tạo phần mềm luyện nói tiếng Anh Elsa tại Đại học Stanford - nơi tổ chức GES - Ảnh: Bình Minh

Mỗi người có một hoàn cảnh, một câu chuyện khởi nghiệp khác nhau. Thế nhưng, ở họ có một điểm chung: khát vọng được mang hình ảnh của thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam ra thế giới, và chung tay xây dựng nên hệ sinh thái khởi nghiệp vững bền trong nước.

"Khởi nghiệp ở Mỹ đã thành một thứ văn hóa chứ không còn là môi trường nữa, đặc biệt với người trẻ. Họ tin rằng mình sẽ là những người tạo ra cuộc cách mạng bằng việc tạo ra một công ty thành công".

PHẠM TẤN PHÚC (sáng lập Công ty GCall Vietnam Pte Ltd)

Những bài học quý giá

Tuy chỉ kéo dài ba ngày (22 đến 24-6) nhưng GES cung cấp cho người tham dự một khối lượng lớn kỹ năng và kiến thức cần thiết trong khởi nghiệp, đồng thời tạo nhiều cơ hội giúp các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ, kết nối.

Anh Phạm Tấn Phúc, sáng lập Công ty GCall Vietnam Pte Ltd., cho biết chương trình “Office Hour” do Quỹ đầu tư khởi nghiệp của Google tổ chức diễn ra trong chỉ một giờ, nhưng đã giúp anh giải đáp nhiều khúc mắc trong mô hình kinh doanh của mình.

“Chúng tôi có dịp gặp và học hỏi kinh nghiệm từ những chuyên gia đang làm việc tại Google, được họ hướng dẫn cách tổ chức bộ máy công ty. Họ rất ấn tượng về các sản phẩm của Việt Nam trong thời gian vừa qua và còn chỉ cho tôi thấy những thiếu sót trong khâu bán hàng và trình bày sản phẩm” - anh Phúc chia sẻ.

Qua những ngày tham dự các buổi thuyết trình, anh cho biết điều dễ thấy nhất là trong quan niệm tại Mỹ, khởi nghiệp chính là cách để đưa đất nước phát triển, và vì vậy từ chính phủ đến hệ thống giáo dục đều được thiết lập để hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nhân trẻ.

“Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất chính là việc sự kiện năm nay có một doanh nhân chỉ mới 11 tuổi. Chính nhờ vậy tôi mới hiểu rằng xã hội, môi trường và các chính sách tại Mỹ luôn khuyến khích khởi nghiệp” - anh Phúc giải thích và không giấu tham vọng một ngày gần đây quay lại chinh phục thị trường Mỹ.

Trong khi đó, Bùi Hải An, người sáng lập Công ty Saigon Silicon Straits, cho biết anh rất ấn tượng với phần chia sẻ của hai diễn giả John Doerr - một trong những nhà đầu tư mạo hiểm tên tuổi tại Thung lũng Silicon và Patrick Collison - đồng sáng lập Stripe (giải pháp thanh toán được đánh giá cao trong lĩnh vực công nghệ).

“Tôi đúc kết được rằng đối với khởi nghiệp, việc xây dựng nhóm là rất quan trọng. Ngoài ra, mỗi người luôn phải tìm kiếm cơ hội để phát triển vì dù khởi nghiệp hay đi làm cũng đều là quá trình tích lũy kinh nghiệm” - Hải An nhận định.

Hải An cho biết điều anh nhận thấy khi gặp gỡ những diễn giả và bạn bè quốc tế là sự cởi mở, không ngại chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết cùng nhau. “Khi chia sẻ thông tin cùng nhau thì kết quả đạt được sẽ tốt hơn rất nhiều. Điều này giúp khu Silicon có được những người rất giỏi, đặc biệt là những người trẻ có tiềm năng. Khi sáng lập Stripe, Patrick cũng chỉ mới 20 tuổi nhưng mọi người không nhìn vào đó mà đánh giá năng lực” - Hải An tỏ ra phấn chấn với phát hiện mới khi đến GES 2016.

Theo anh, lý do khiến các doanh nhân quốc tế cởi mở với nhau chính là vì họ đều đang đi chung trên con đường khởi nghiệp, đồng thời rất hứng thú với điều mình đang làm. Điều này làm nên một cộng đồng trẻ, rộng mở với nhiều cơ hội và kiến thức bao la để học hỏi.

Nhiều cơ hội mới

Chia sẻ về kỳ vọng tại chương trình GES và kế hoạch trong tương lai, những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ Việt Nam cho biết muốn tìm nhiều cơ hội để kết nối với các nhà đầu tư trên thế giới, phát triển công ty ra ngoài thị trường Việt Nam, đồng thời hi vọng chính phủ sẽ có những chính sách cởi mở hơn để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp.

Nguyễn Ngọc Diệp, trưởng bộ phận marketing tại Công ty Beeketing, kể về dịp ngồi nói chuyện với người bạn làm trong công ty đối thủ tại Ấn Độ. “Cả hai cùng nói với nhau về những mẹo vặt giúp phát triển sản phẩm trên thị trường. Những người làm khởi nghiệp hiểu rằng sự phát triển của công ty dựa trên chất lượng và những giá trị mà sản phẩm mang lại cho cộng đồng” - Diệp giải thích.

Trong khi đó, Nguyễn Minh Thúy, người đang muốn phát triển ứng dụng y tế iMed, cho biết muốn có cơ hội tiếp xúc và góc nhìn rộng hơn về các vấn đề toàn cầu và thị trường thế giới, cũng như học hỏi được kinh nghiệm từ các công ty hàng đầu tại Thung lũng Silicon.

“Trong chương trình có rất nhiều hoạt động dành cho doanh nghiệp nữ và các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, tôi đều cố gắng tham gia những sự kiện này” - cô giải thích về sự hữu ích của những ngày làm việc vừa qua.

Sau hội nghị GES, các doanh nhân trẻ Việt Nam đều hứng khởi với những cách nhìn mới, cơ hội mới. Nguyễn Thị Thùy Trang, sáng lập thương hiệu thời trang cho phụ nữ Emwear, khẳng định đang lên kế hoạch mở rộng thị trường sang Indonesia và tìm kiếm nhà đầu tư tại sự kiện GES.

“Tôi có trải nghiệm tuyệt vời trong những ngày tham gia chương trình, đồng thời muốn mang hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đặc biệt là câu chuyện về những cô gái khởi nghiệp bởi đây là điều rất đáng tự hào!” - cô chia sẻ. Doanh nghiệp của Thùy Trang được phát triển theo mô hình “Do phụ nữ, vì phụ nữ” với tất cả nhân viên đều là nữ giới.

Khuyến khích thất bại

Văn Đinh Hồng Vũ, người sáng lập phần mềm giáo dục Elsa, đang sinh sống tại Mỹ, cho rằng cô may mắn khi khởi nghiệp ngay trên chính đất Mỹ. Cô khẳng định môi trường khởi nghiệp ở đây phát triển rất minh bạch và luôn chào đón nhà đầu tư.

Những doanh nhân mới bước vào nghề dễ dàng biết mình cần làm gì hoặc tìm đến đâu để giải quyết các khúc mắc.

“Văn hóa tại Mỹ khác lạ ở chỗ họ khuyến khích bạn thất bại và xem thất bại là bước khởi đầu của thành công. Chúng tôi không xem trọng chuyện vấp ngã, mà quan trọng là bạn làm gì sau đó” - Hồng Vũ chia sẻ.

Đến với sự kiện quy tụ nhiều doanh nhân trẻ tài năng đến từ khắp các quốc gia trên thế giới, Hồng Vũ cảm nhận được nguồn năng lượng to lớn từ những nhà khởi nghiệp này và cảm thấy được truyền nhiều cảm hứng, động lực hơn.


Theo Tuổi trẻ