Dù vậy, bữa ăn nào với mấy chị em chúng tôi cũng là những bữa ăn thật vui vẻ, ấm cúng. Trưa chiều quây quần bên mâm cơm, chúng tôi ngày càng hiểu thêm tình yêu thương của mẹ dành cho con cái và cũng thấm sâu hơn những bài học làm người, bài học ứng xử trong ăn uống mà mẹ đã dạy.

Nhà ở của mẹ con chúng tôi chỉ là nhà tranh, vách nứa. Mâm cơm đặt ngay trên nền nhà. Vào bữa ăn, mẹ tôi hay nhắc: “Các con “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” nhé”. Hiểu ý mẹ, chúng tôi không bao giờ ngồi quay lưng ra cửa, nơi có ánh sáng từ ngoài sân chiếu vào. Tư thế ngồi của con trai, con gái đều có sự khác nhau, nhưng không bao giờ được ngồi “chồm hổm” mà ăn. Trước khi ăn, mẹ tôi còn bày cho chúng tôi cách ăn uống từ tốn, không vội vàng, hấp tấp từ việc so đũa, cầm thìa đến cách gắp miếng cá, lá rau… Tôi nhớ có lần, trong một bữa ăn, thấy trong đĩa rau xào có mấy miếng thịt heo, cậu em thích quá, cứ thò đũa xới tung đĩa gắp hết miếng này đến miếng khác, mẹ tôi liền nhắc:

- “Con ăn từ từ thôi, ăn miếng nào thì gắp miếng đó, không được khoắng xới đĩa rau con nhé… Mà con cũng nhớ để dành thịt, cá cho anh, cho chị với đó!”

Khi ăn, chúng tôi nhỡ đánh rơi hạt cơm nào xuống thềm, mẹ tôi đều nhặt lên bỏ vào một cái bát không. Mẹ tôi hay nói với chúng tôi: “Hạt cơm là hạt vàng các con ạ. Các bác nông dân “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới làm ra được hạt lúa, củ khoai. Cơm thừa, canh cặn thì dành cho con heo, con gà nó ăn, đừng có lãng phí mà mắc tội với trời đó các con…”

Rồi nữa, khi trong nhà có người đi vắng, mẹ tôi cũng để phần cơm rất tử tế: Cơm ủ nóng trong vịm, canh, cá để riêng ra bát, ra đĩa… Tất cả đều được đậy điệm kín đáo. Làm xong việc ấy, những người ở nhà mới cầm bát lên ăn cơm. Mẹ giảng giải, người đi vắng, về ăn cơm sau, thấy phần cơm của mình được đậy điệm cẩn thận, bát đũa sạch sẽ, có đủ các loại thức ăn… thì sẽ rất ấm lòng, bởi họ hiểu đó là tất cả sự yêu thương mà những người ruột thịt dành cho mình.

Sau này, lớn lên, đi dạy học trên vùng rừng núi Việt Bắc, mỗi dịp nghỉ tết, nghỉ hè về thăm nhà, được ăn cơm cùng mẹ, tôi đều thật sung sướng. Vẫn như những ngày tôi còn thơ bé, có miếng cá ngon, con tôm béo mẹ đều gắp cho tôi, còn mẹ chỉ ăn cái đầu, cái vây, cái vảy… Thấy tôi ăn ngon, hết bát cơm này đến bát cơm khác, mẹ tôi rất vui…

Thân mẫu của chúng tôi giờ khuất núi đã hơn 30 năm rồi. Trên đầu tôi “tóc đen xen tóc bạc”. Nhưng cứ mỗi lần ăn cơm cùng vợ con không bao giờ tôi không nhớ đến mẹ, đến bữa cơm của một gia đình nghèo vùng biển tuy đơn sơ, đạm bạc, nhưng bao giờ cũng ấm cúng, cũng chứa chan tình cảm ruột thịt. Những bài học về đạo đức, về văn hóa mà mẹ dạy thuở ấu thơ không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi.

Trần Hoàng