Trong đó, quy định về “quyền im lặng của bị can, bị cáo” nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Cụ thể, BLTTHS quy định chi tiết về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp tại các điều 58 đến điều 61. Theo đó, người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can và bị cáo đều có quyền trình bày ý kiến, trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, nội dung các quy định trên gồm 2 ý. Đó là quyền được trình bày lời khai. Người bị bắt, bị can, bị cáo thấy cần thiết trình bày lời khai thì họ trình bày, còn họ thấy không cần thiết trình bày khi chưa có sự hiện diện luật sư của họ thì họ có thể từ chối cho đến khi luật sư xuất hiện. Bên cạnh đó, người bị bắt, bị can, bị cáo nếu thấy những gì bất lợi, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý nhấn mạnh, quy định này nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, tạo sự thống nhất trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung. Quyền im lặng có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với quyền bào chữa, bổ sung cho nhau để bảo đảm cho tố tụng hình sự được tiến hành đúng đắn, khách quan, tránh làm oan người vô tội.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến, trên thực tế cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng luôn mong đợi sự hợp tác của người bị buộc tội. Nếu thấy sự việc sai phạm đã rõ ràng, họ hợp tác tích cực lập công chuộc tội, họ có thể tự nguyện khai báo để nhận sự khoan hồng, giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. “Tuy nhiên, nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không nhận được sự hợp tác của người bị buộc tội thì cũng không thể coi đó là tình tiết tăng nặng vì ngoan cố, không khai báo thành khẩn”, ông Chiến phân tích.

Nhiều ý kiến cũng nhận định, “quyền im lặng” là quy định tiến bộ vượt bậc, giải quyết được nhiều bất cập trong các vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng lời khai bất lợi cho bị can, bị cáo hoặc chỉ sử dụng duy nhất lời nhận tội của họ để kết tội họ khi đưa ra truy tố, xét xử.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, để thực hiện “quyền im lặng” đòi hỏi cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nâng cao năng lực, nghiệp vụ điều tra và đạo đức công vụ, chống tình trạng bức cung, dùng nhục hình để lấy lời khai. Bên cạnh đó, hàng loạt quy định mới được sửa đổi, bổ sung như bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa tạo điều kiện để luật sư tham gia tố tụng sớm hơn vào quá trình điều tra hay quy định ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung cũng tạo ra cơ chế giám sát người tiến hành tố tụng cũng nhằm chống lại bức cung, dùng nhục hình để bảo vệ quyền con người, hạn chế oan sai trong tố tụng hình sự ở nước ta.

Theo TTXVN