Nhận thấy tiềm năng, lợi thế đất đai của quê hương, năm 1997, ông Hoanh mạnh dạn đầu tư khai hoang đất đồi đưa vào trồng keo, tràm kết hợp chăn nuôi lợn, gà, cá.

Bà Cháu (vợ ông Hoanh) chăm sóc đàn heo

Ông Hoanh kể: “Cách đây 20 năm vùng đồi còn hoang sơ, heo rừng, thường đến phá cây trồng gây thiệt hại rất lớn. Do chưa có kinh nghiệm sản xuất, cây trồng và vật nuôi thường xuyên bị chết, vài năm đầu không thu được đồng nào, nợ nần chồng chất”.

Không bó tay, ông Hoanh tiếp tục chuyển đổi cây trồng sang trồng mía thay cho cây sắn. Một thời gian sau, cây mía cho thu hoạch khá, nhờ thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, chưa được bao lâu, do doanh nghiệp nhập mía làm ăn thua lỗ, cây mía không bán được, ông lại rơi vào tình cảnh khó khăn. Không bỏ cuộc, với ý chí vươn lên, ông Hoanh bắt tay thực hiện mô hình vườn ao chuồng rừng (VACR), trồng rừng keo, nuôi gà, cá, lợn, với diện tích 5 ha, lấy ngắn nuôi dài. Nhờ thế, cuộc sống gia đình ông dần ổn định.

Hiện, trang trại ông Hoanh gồm: một khu trang trại gà giăng lưới tự nhiên, cao khoảng 1,5m - 2m với 500 con gà. Giống gà nhập từ miền Bắc vào dễ thích nghi với khí hậu vùng núi, ít bệnh tật và phát triển nhanh, trừ  hết chi phí lãi 20 triệu đồng/ năm. Bên cạnh đó, ông nuôi 4 lợn giống mẹ và 50 lợn thịt, bình quân 3 lứa/ năm, trừ giống và thức ăn cho lãi trên 30 triệu đồng/ năm.

Với số tiền lãi 50 triệu đồng/năm từ nuôi gà và lợn, ông Hoanh mạnh dạn vay thêm vốn Ngân hàng Chính sách-Xã hội để đầu tư đào 6 hồ nuôi cá, với các loại như: cá trắm, trê, thát lát, mè, rô phi, mỗi năm lãi ròng 70 triệu đồng.

Ngoài đầu tư phát triển sản xuất, ông Hoanh còn quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải từ chăn nuôi, vừa giải quyết ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất. Đồng thời, ông cũng đầu tư máy bơm nước từ suối vào hồ để không bị ô nhiễm nguồn nước.

Cùng với phát triển chăn nuôi, ông Hoanh còn trồng thêm 3 ha cây keo lai đem lại giá trị kinh tế cao. Theo ông Hoanh: “Ưu điểm của giống keo lai là phát triển nhanh, khả năng sinh trưởng tốt, vốn đầu tư ít và ít tốn công chăm sóc, rừng trồng sau 5 năm thu hoạch; bán với giá 50 triệu đồng/ ha. Đến nay, mô hình VACR của ông Hoanh cho lãi mỗi năm từ 120 -150 triệu đồng. Nhờ thế, ông xây dựng nhà cửa kiến cố, bảy đứa con được học hành đến nơi đến chốn.

Bài, ảnh: Nguyễn Nhãn