Hướng làm ăn mới

Từ sáng sớm, chị Hồ Thị Phên, người Tà ôi ở thôn Pa ring, xã Hồng Hạ (A Lưới) lại chuẩn bị nhiều vật dụng soong, nồi, bát đũa, các món ẩm thực để phục vụ du khách đến tham quan khu du lịch cộng đồng suối Pâr Le.

Điểm tắm suối Pâr Le được đồng bào tổ chức đảm bảo an toàn cho du khách

6 giờ sáng, tổ hợp tác du lịch cộng đồng xã Hồng Hạ gồm 18 thành viên bắt đầu phân công công việc. Tổ được chia thành 4 nhóm, phụ trách tiếp đón và hướng dẫn du khách, phục vụ ẩm thực khi du khách có nhu cầu, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách tắm suối và quản lý vệ sinh công cộng…

Từ cổng khu du lịch vào đến con suối, lên tận hồ tắm, được lắp đặt các bảng quảng cáo, biển chỉ dẫn, xây nhà vệ sinh, bố trí các thùng rác và chòi sạp khá hợp lý; nội quy và bảng giá được niêm yết công khai. Khu chế biến ẩm thực được quy hoạch ngay phía ngoài con suối vừa thuận tiện phục vụ du khách vừa đảm bảo vệ sinh, cảnh quang cho điểm du lịch. Anh Hồ Minh Giới, Tổ trưởng tổ hợp tác du lịch cộng đồng xã Hồng Hạ chia sẻ: “Tổ được hình thành với hơn 10 hộ tham gia. Để phục vụ du khách đến tham quan, chúng tôi huy động nhân công làm đường vào suối, đóng kinh phí đầu tư hơn 10 chòi sạp và mua sắm các vật dụng như áo phao, áo quần cho thuê tắm suối, phân công các thành viên có tay nghề ẩm thực chuyên trách việc nấu nướng…

Khu du lịch sinh thái suối Pâr Le vừa đưa vào khai thác hơn 3 tháng. Những ngày đầu khai trương, số du khách đến tham quan khoảng 200 lượt/ngày. Vào thứ bảy, chủ nhật hay dịp lễ, số khách tăng lên gần 500 lượt/ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, không kể khách địa phương, khu du lịch này đón hơn 5.200 lượt khách. Chị Aret Thị Bình, thành viên tổ hợp tác du lịch cộng đồng xã, nhẩm tính: “Nguồn thu từ các dịch vụ tại khu du lịch trong đợt đầu đạt hơn 143 triệu đồng, sau khi trừ chi phí và chi trả ngày công cho các thành viên, tổ hợp tác lãi hơn 25 triệu đồng. Đây là nguồn thu đáng kể, cho thấy làm du lịch là hướng làm ăn mới của bà con mình…”.

Anh Hồ Minh Giới cho biết: Khu du lịch sinh thái này manh nha từ việc tổ chức Đoàn của địa phương đưa đoàn viên thanh niên các trường đại học dưới xuôi lên tham quan suối Pâr Le vào dịp hoạt động tình nguyện hè. Đến đây, ai cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, lại có điểm tắm suối lý tưởng. Sau đó, từng đoàn khách dưới xuôi bắt đầu tìm đến điểm du lịch sinh thái này. Bà con mình bắt tay làm du lịch từ đó.

Về dịch vụ ở khu du lịch, anh Trần Đăng Hải đến từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ, nếu tại địa điểm này có thêm loại hình homestay sẽ níu chân du khách lưu trú lại lâu hơn để khám phá các nét văn hóa giàu bản sắc của đồng bào nơi đây.

Trao đổi với anh Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ về ý kiến trên, được anh cho biết: “Xã đã quy hoạch hơn 2ha rừng trồng trên tuyến đường đi vào suối để hình thành khu nhà sàn homestay. Khu nhà sàn sẽ được xây dựng theo hình thức tái hiện không gian văn hoá bản làng đồng bào thiểu số trước đây, được bố trí gian hàng thủ công mỹ nghệ, khu chế biến ẩm thực. Định kỳ sẽ được tổ chức các hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất như dệt Zèng, chế tạo nông cụ, nhạc cụ dân tộc… và tái hiện các hoạt động văn hoá phi vật thể của đồng bào để du khách đến đây được tham gia. Địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo và phát triển đội ngũ làm du lịch của xã, tiến đến thành lập hợp tác xã du lịch, mở rộng quy mô phục vụ du khách để tham gia ký kết với các đơn vị lữ hành đưa tour du lịch đến với khu du lịch cộng đồng này của xã”.

Gắn du lịch vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Cùng với khu du lịch suối Pâr Le, đồng bào thiểu số ở A Lưới cũng bắt tay khai thác các địa điểm du lịch sinh thái thác A Nôr (xã Hồng Kim) rộng 10ha, với cơ ngơi lưu trú cho du khách khá tiện nghi. Hay như các địa điểm thám hiểm hang động Kềnh Crâm, suối nước nóng Tôm Trung (xã A Roàng)… Loại hình du lịch văn hóa truyền thống của đồng bào A Lưới gồm văn hoá vật thể và phi vật thể cũng thu hút số lượng du khách đến tham quan rất lớn. Du khách sẽ được tham quan cấu trúc nhà Moong (nhà sàn dài) của người Pa Cô, nhà Rông của người Tà Ôi, nhà Gươl của người Ka Tu, cùng các lễ hội văn hoá cộng đồng từ ngàn xưa được tái hiện. A Lưới còn là mảnh đất lưu dấu nhiều địa danh lịch sử, như cụm địa đạo Động So, địa đạo Lam Sơn, đồi ABia (còn gọi là đồi Thịt Băm – Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia), địa đạo Tà Lương, sân bay ASo… là điều kiện thuận lợi để A Lưới phát triển thêm loại hình du lịch di tích lịch sử cách mạng.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng thông tin: :A Lưới đang có nhiều chương trình quảng bá cho du lịch và du lịch A Lưới được đặt trong lộ trình di sản miền Trung, là điểm đến của du khách khi nhắc đến con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Hiện tại, huyện đang tích cực phối hợp cùng BQL Dự án du lịch Mê Kông tỉnh đầu tư phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng tại các xã Hồng Kim, A Roàng và Nhâm. Đồng thời, địa phương tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ cho các thành phần kinh tế phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn”.

Ông Hùng cho rằng, tiềm năng thì đã rõ. Vấn đề là các địa phương có lợi thế về du lịch phải phối hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với phát triển tiềm năng du lịch.

Việc xây dựng cơ chế đầu tư và hưởng lợi phù hợp từ khai thác tiềm năng du lịch cho các địa phương có lợi thế cũng là vấn đề bức bách đang đặt ra. Một chính sách phát triển du lịch bền vững cho toàn vùng là yếu tố quyết định, khi mà tiềm lực đầu tư của các địa phương đang còn nhiều hạn chế. Cần có giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ nguồn vốn vay, xây dựng khâu thông tin, tập huấn hướng dẫn người dân đầu tư khai thác các dịch vụ (như lưu trú nhà sàn, dịch vụ ẩm thực, cung cấp các sản phẩm truyền thống của địa phương, các loại hình văn hóa của đồng bào...).

Trước tiên, cần tiến hành điều tra, thống kê, đánh giá về những địa bàn có tiềm năng để xây dựng các dự án đầu tư phù hợp; hoàn thiện công tác quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trên địa bàn, hướng đến phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp phát huy các nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc, tạo cho du lịch trở thành nguồn lực xoá đói nghèo ở địa phương.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ