Rong rêu cũng rũ ngọn
Về các vùng đầm phá và nội đồng không khó để bắt gặp hình ảnh một số người dân dùng xung điện để đánh bắt cá. Dụng cụ của anh N.V.T (ở Thuận An, Phú Vang) khá đơn giản, gồm: một acquy 12V, bộ kích điện và 2 dây dẫn tự chế. Anh T. cho biết, đây là giai đoạn mực nước ở các kênh, mương, ao hồ ở nội đồng xuống thấp nên việc kích điện sẽ hiệu quả hơn. Điểm đầu tiên anh T. hành nghề là một con mương dẫn nước vào ruộng lúa. Chưa đầy 20 phút kích điện hầu như tất cả cá, tôm… có ở mương, bất kể to nhỏ đều nổi lên vì bị điện giật tê liệt. Không riêng gì cá tôm, các sinh vật khác như ếch nhái, rắn, lươn… cũng khó thoát.
Nhiều thuyền vẫn ngang nhiên đánh bắt bằng xung điện
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục Thủy sản đã xử lý 35 trường hợp, tịch thu 3 chiếc thuyền, 28 bộ kích điện, xử phạt gần 63 triệu đồng. |
Anh N.X.B (ở xã Phong Mỹ, Phong Điền) chuyên hành nghề kích điện biện minh: “Biết là vi phạm pháp luật, nhưng đây là nghề chính mưu sinh nuôi cả gia đình nên không thể bỏ được. Tôi cũng biết đây là hình thức đánh bắt tận diệt nhưng dùng chài lưới thì mất thời gian mà hiệu quả chẳng cao”. Anh B. cũng thừa nhận, so với mấy năm trước thì giờ lượng cá, tôm giảm hẳn.
Ông Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế Chi cục Thủy sản cho biết, ở một số điểm nóng về khai thác thủy sản bằng xung điện như xã Hương Phong (Hương Trà), Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng An (Quảng Điền), khu vực đầm phá Cầu Hai các đối tượng đánh bắt theo nhóm, trang bị nhiều thuyền máy có công suất lớn. Xung điện các chủ thuyền hay dùng loại 75 – 150A (ampe), hiệu điện thế 120V, thậm chí 220V; cài thêm đầu phóng có độ giật mạnh lên tới 250V. Khi kích, chúng tác động sâu 3,6 – 4 m. Bất cứ con gì trong phạm vi đó đều bị tê liệt dẫn đến chết, ngay cả rong rêu cũng rũ ngọn; gây nguy hiểm tính mạng con người.
Để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng các thuyền đánh bắt này chủ yếu hoạt động vào ban đêm, rạng sáng và ngụy trang rất tinh vi. Một hình thức để qua mắt lực lượng chức năng là biến tấu cần kích điện bằng vợt có gắn điện, nhìn qua thì khó phát hiện được vợt cá có nguồn điện bởi chỉ khi để xuống nước nó mới phát sáng còn khi đưa lên khô thì chẳng khác gì một cây vợt cá bình thường. Nhiều người còn sử dụng lưới xiếc điện, một loại đánh bắt có sức tận diệt lớn. Điều đáng nói là, các đối tượng kích điện bằng máy móc có công suất lớn rất manh động, sẵn sàng chống trả cơ quan chức năng để tẩu thoát khi bị phát hiện.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Việc sử dụng kích điện đánh bắt cá đã khiến nguồn lợi thủy sản đứng trước nguy cơ bị tận diệt, gây biến dị, đột biến cho các loài thủy sản, ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái. Để đánh bắt được một con cá bằng xung điện thì sẽ có 200 con (loài) khác bị chết oan do ảnh hưởng của dòng điện phóng ra. Chỉ vì cái lợi trước mắt mà nhiều người ngang nhiên tận diệt thủy sản, bất chấp những hậu quả to lớn về sau. Không những thế, thời gian vừa qua việc dùng kích điện để đánh bắt cá đã gây ra những cái chết thương tâm.
Ông Nguyễn Văn Bôn cho biết, ngoài việc tăng cường tuần tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, chi cục thủy sản còn phối hợp với các địa phương quản lý chặt việc khai thác nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, cấp quyền khai thác cho các chi hội nghề cá trên đầm phá. Nhờ đó, một số điểm nóng về khai thác thủy sản bằng kích điện như Quảng Thành, Quảng An gần đây đã giảm. Các chi hội nghề cá cũng làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc địa bàn mình quản lý và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các hội viên và người dân địa phương về mối nguy cơ việc sử dụng kích điện tận diệt thủy sản.
Bên cạnh việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp tận diệt thủy sản, chi cục thủy sản còn tiến hành nhiều đợt tái tạo nguồn lợi thủy sản trên cả ba thủy vực nước ngọt, nước lợ đầm phá và vùng biển ven bờ. Công việc ý nghĩa này cũng được các cá nhân, tổ chức và cộng đồng ngư nghiệp tích cực hưởng ứng và đóng góp tôm, cá giống với giá trị hàng chục triệu đồng.
Để ngăn chặn hiệu quả nạn đánh bắt thủy hải sản bằng xung điện cần sự phối hợp đồng bộ hơn giữa các lực lượng chức năng; sự vào cuộc của các ban ngành, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý cũng như việc tuyên truyền vận động để những người hành nghề từ bỏ kiểu đánh bắt tận diệt này, góp phần duy trì bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hôm nay và mai sau.
Theo Nghị định số 103/2013/NĐ/CP của Thủ tướng Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản: 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản. 2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác. 3. Mức phạt đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khai thác thủy sản như sau: a) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính 20 sức ngựa hoặc tàu cá không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét nước. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu công cụ kích điện; công cụ kích điện trên tàu cá; công cụ sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản đối với các hành vi quy định taị Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 điều này. |
Bài, ảnh: Thanh Thảo