Hàng ngang gồm nhiều lực lượng tham gia bảo vệ rừng. Đơn vị có trách nhiệm chính là các chi cục kiểm lâm, các hạt kiểm lâm, các ban quản lý bảo vệ rừng, thậm chí là các công ty tuy hoạt động kinh doanh nhưng vẫn giao một phần trách nhiệm bảo vệ rừng. Rồi các lực lượng phối hợp như Công an, quản lý thị trường... nhưng rừng vẫn bị khai thác trái phép chưa bao giờ ngưng nghỉ. Trên các phương tiện truyền thông, thi thoảng chúng ta vẫn nghe nơi này nơi kia phát hiện phá rừng. Có những vụ lẻ tẻ, có vụ với số lượng nhiều và nghiêm trọng.

Điều này nói lên rằng, rừng chưa được quản lý bảo vệ tốt. Nhưng vì sao lại không bảo vệ được rừng? Có lẽ, điều cốt lõi nằm ở chỗ rừng vẫn quá hấp dẫn đối với nhiều người.

Thử nhìn ở vài khía cạnh.

Đối với người đi khai thác rừng trái phép, rừng đã cho họ nhiều nguồn lợi. Gỗ bây giờ không chỉ là gỗ mà là “vàng”. Gỗ càng quý càng có giá. “ Vàng” cứ lung linh trước mắt, trong khi lực lượng bảo vệ được cho là “mỏng” (như một vị có trách nhiệm của ngành kiểm lâm một huyện phát biểu trên báo chí gần đây) thì rõ ràng rừng khó mà được bảo vệ tốt. Chúng ta cứ mãi duy trì trạng thái này, một bên đầy sức hút hấp dẫn, một bên “mỏng” thì rừng vẫn còn bị chặt phá là điều đương nhiên.

Đối với người có trách nhiệm giữ rừng, nhiệm vụ này không phải là không “hấp dẫn”. Nhiệm vụ bảo vệ rừng hết sức gian khổ, thường xuyên ở rừng ở rú, xa nhà, lại đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng không phải ai muốn cũng vào được ngành này. “Hấp dẫn” này từ đâu? Mới đây, trong việc thực hiện sáp nhập giữa chi cục Kiểm lâm và chi cục Phát triển Lâm nghiệp, mặc dù chỉ là một đơn vị sự nghiệp như bao đơn vị sự nghiệp khác nhưng “thông tin vỉa hè” hết sức quan tâm ai là người đứng đầu. Nghĩa là ngành này có sức “hấp dẫn”. Họ được phân công hoặc tự nguyện đứng ra thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, nhưng khi rừng không được bảo vệ tốt họ lại kêu ca là lực lượng “mỏng”. Có điều gì đó “lấn cấn” giữa trách nhiệm và quyền lợi. Phải chăng, sức hấp dẫn sinh ra từ trách nhiệm, hay quyền lợi, hay cả hai ?

Đối với người thụ hưởng, sản phẩm của rừng, gỗ vẫn còn quá hấp dẫn. Thói quen sử dụng gỗ cho nhiều sản phẩm gia dụng vẫn chưa thay đổi. Và đối với không ít người giàu có, sử dụng gỗ càng nhiều càng thể hiện “đẳng cấp” đã đẩy nhu cầu cung gỗ tăng cao. Nhu cầu gỗ càng cao áp lực lên rừng càng lớn.

Để giảm áp lực cho rừng, không hẳn là chỉ vận động chung chung, không hẳn là tăng dày lực lượng bảo vệ rừng và không chỉ tuyên truyền cho những người giàu có... “dừng sử dụng những bộ bàn ghế bằng gỗ nguyên súc to và dày đến vậy”... mà chính là tìm kiếm những giải pháp giảm đi “sức hấp dẫn” của rừng. Ví như, những hành vi khai thác, mua bán gỗ trái phép phải được xử lý thật nặng; lực lượng bảo vệ rừng mà tư túi để rừng bị xâm hại phải xử lý thật nghiêm…

Phải nhìn rừng với con mắt nó là lá phổi, là môi trường dung dưỡng cuộc sống chúng ta, chứ  không phải là miếng mồi béo bở.

LÊ PHƯƠNG