Lập “đề án” bảo vệ đường và thuyết phục hiến đất

 

Nghe tên ông Vĩnh từ lâu, nhưng cuối tháng 2 vừa qua, tôi mới có dịp gặp và trò chuyện. Như lời anh Chánh văn phòng Huyện ủy Phú Lộc giới thiệu ban đầu, ông Vĩnh vẫn còn tráng kiện, nhanh nhẹn cuốn hút tôi ngay từ lời chào rất hiền và cái bắt tay nồng ấm. Ông nói: “Mình là lính Cụ Hồ đã về hưu, bản thân luôn tìm tòi suy nghĩ làm những điều hay, điều có ý nghĩa, góp phần giúp dân, giúp xã, xây dựng đổi mới quê hương”.

 

Ông sinh ra và lớn lên ở làng La Sơn, Lộc Sơn; trước năm 1975 là một cán bộ xã. Năm 1978, ông lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sau 6 năm tham gia quân đội, ông chuyển về công tác tại Công ty Lương thực Bình Trị Thiên. Năm 2004, ông trở lại quê nhà và sau đó vào giữ chức Chủ tịch Hội CCB xã Lộc Sơn vào năm 2006. Khi gánh trách nhiệm, việc đầu tiên ông “để mắt” là làm sao để đường sá địa phương sạch đẹp, thông thoáng-vốn câu chuyện ấy là nỗi ám ảnh nhất trong thời thơ ấu của ông. Nghĩ là làm, ông lập “đề án” xin chính quyền cho Hội CCB xã quản lý 10km đường giao thông trên địa bàn; trong đó, kiêm luôn khâu duy tu, bảo dưỡng. “Đề án trình lên với các nội dung thấu tình đạt lý, lãnh đạo địa phương gật đầu. Theo lời ông, tuyến nào ở khu vực nào giao về cho chi hội CCB cơ sở đó quản lý, như: Dựng bảng cấm xe trọng tải nặng đi vào; hàng tháng phát quang bụi bờ làm che khuất tầm nhìn; làm gờ giảm tốc cho người và phương tiện giao thông ở các khúc cua hẹp, điểm nối vào đường ưu tiên... Khi hư hỏng, các hội viên CCB xã lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, bảo dưỡng... Nhờ “đề án” của ông, đường giao thông nông thôn ở Lộc Sơn, ai cũng thừa nhận thuộc vào diện “sống lâu”, thông thoáng nhất khu vực...; đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn giảm. Ban An toàn giao thông huyện, tỉnh cũng ghi công ông Vĩnh; nhiều cán bộ nơi khác về Lộc Sơn học tập làm theo.

 

Một trong những tuyến đường bê tông nông thôn do Hội CCB xã quản lý ngày càng khang trang sạch sẽ

 

Cũng nói về đường, năm 2011 vừa qua, xã Lộc Sơn lại ghi công đầu cho ông khi Nhà nước đầu tư tuyến đường An Sơn dài 1,5km, nhưng không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng. Tuyến dài 1,5km, mặt bê tông 4 mét, ảnh hưởng đến 14 hộ; trung bình mỗi hộ phải mất từ 150-200m2 đất và cây cối; trong đó, hộ ông Nguyễn Hữu Dược mất gần 900m2 và hàng trăm cây bạch đàn luống tuổi. Khi khảo sát thực tế để phóng tuyến, những hộ bị ảnh hưởng mất quá nhiều đất nên ai cũng xót, đặc biệt là gia đình ông Dược là diện nghèo của xã. Xã họp, thôn họp nhiều lần vận động không xuôi. Thời gian cứ cận kề mà việc giải phóng mặt bằng tuyến cứ du dưa, thì tuyến đường ấy sẽ “bay” đến địa phương khác. Không còn cách nào hơn, lãnh đạo xã giao việc khó ấy cho ông Vĩnh. “Chuyện của gia đình, chuyện của người thân mình thì dễ, nhưng đây là nói người khác hiến đất cho làng, cho xã mình cũng ngại. Biết làm sao, chính quyền địa phương đã tín nhiệm thì phải liều”- ông Vĩnh thực lòng. Thời gian ấy, đêm ngày ông Vĩnh đến từng gia đình thuyết phục với phương châm đem cái tình ra để nói - “mỗi người vì mọi người” và nguyên tắc bất di bất dịch đưa ra là con đường An Sơn phải hiện hữu tại xã Lộc Sơn trong năm 2011. Chỉ hơn tuần lễ nghe ông thuyết phục, tất cả 14 hộ đồng tình thống nhất tự giải phóng mặt bằng cho tuyến đường đi qua mà không nhận một đồng tiền đền bù của địa phương. Đến bây giờ, con đường An Sơn được thông nối QL1A đến khu vực dân cư và cái tên ông Vĩnh cứ được mọi người trong xã, huyện nhắc mãi...

Minh Văn