Thời điểm hiện nay, các tàu cá lãi 40-60 triệu đồng/ chuyến đi biển

Ngày mới vươn khơi

“Nghề biển là nghề của cha ông, dẫu có lúc khó khăn nhưng không khi nào mình nghĩ đến việc từ bỏ nó”, ngư dân Nguyễn Văn Bang (chủ tàu số hiệu TTH- 91892, thôn 6, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang), mở lời với chúng tôi sau một chuyến biển trở về.

Sáng đầu tháng 7, cảng cá Thuận An tấp nập tàu thuyền vào neo đậu “xả hàng”, xay đá, chuẩn bị nhu yếu phẩm ra cho chuyến đi biển tiếp theo. Tàu ông Bang là tàu tầm trung có công suất 250CV, làm nghề lưới mực, cùng đánh bắt các loại hải sản như cá kình, bánh đường, đục…

Ông Bang cho biết: “Khoảng một tuần trở lại đây, anh em đi biển bắt đầu sôi động trở lại. Sản lượng đánh bắt tuy có ít hơn trước, nhưng giá cả thì bằng thời điểm trước khi xảy ra vụ cá chết, nên bình quân mỗi chuyến biển từ 4-5 ngày, trừ hết các chi phí, mỗi tàu cũng lãi được 40-50 triệu đồng”. Theo ông Bang, khó khăn nhất của người làm ngư là thiếu bạn thuyền, sản lượng cá giảm gần 50% so với trước. Các bạn thuyền sau thời gian tàu nằm bờ, đi thua lỗ nên không theo chủ thuyền ra khơi đánh bắt xa bờ nữa, mà chuyển sang hình thức đánh bắt gần bờ hoặc lao động nghề khác. Bù lại, năm nay, được mùa mực, nên các chủ thuyền đầu tư lại lưới quét để ra khơi. “Thời điểm trước mỗi mẻ lưới quét tui kiếm được trên 100kg mực, giờ chỉ giao động từ 40-50kg mà thôi. Mỗi chuyến kiếm chừng 3-4 tạ mực. Đổi lại giá cả nhích lên từ 70-120 nghìn đồng/kg, nên bà con rất phấn khởi ra khơi đánh bắt”, ông Bang thổ lộ.

Tàu thuyền chuẩn bị vươn khơi đánh bắt

Nhiều ngư dân ở thị trấn Thuận An những ngày qua cũng bắt đầu ra khơi trở lại. Sau mỗi chuyến biển, các tàu thu nhập khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi 50 triệu đồng. Vừa đưa thuyền vào cảng để chuyển gần chục tấn cá đục, kình, bánh đường cho thương lái, ngư dân Đào Văn Bình (thôn Hải Tiến, chủ tàu số hiệu TTH- 91892, công suất 500CV) phấn khởi: “Tuy sản lượng cá không dồi dào như trước, nhưng thời điểm này, các loại cá đục, kình, bánh đường có giá từ 40-80 nghìn/kg, tùy loại đã cho ngư dân thêm tinh thần để tiếp tục ra khơi. Chuyến biển ni, tui đi 7 ngày, về trừ chi phí xăng dầu, bạn thuyền và thức ăn, cũng còn lãi được 60 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Thanh Phát, Chủ tịch Hội Nghề cá Vinh Thanh cho rằng, thời gian qua, ngoài việc hội vận động người dân ổn định tâm lý đánh bắt, còn khuyến khích ngư dân phát triển nhiều loài hình đánh bắt mới như nghề lưới rê mực khơi, để nâng cao hiệu quả mỗi chuyến ra biển. Toàn xã có 113 phương tiện đánh bắt xa bờ, trong đó có 22 chiếc tàu công suất từ 120CV đến 800CV chuyên làm nghề lưới rê mực khơi. Tại thôn 2 và 6 của xã, có 80% bà con theo nghề biển.

Đảm bảo quyền lợi cho ngư dân

Tại thị trấn Thuận An, có gần 400 phương tiện đánh bắt xa bờ và gần bờ của hàng trăm hộ dân. Trong đó, công suất tàu thuyền từ 90CV trở lên có 110 chiếc. Ông Hà Thanh Hoài, cán bộ phụ trách thủy sản thị trấn Thuận An cho biết: “Vừa qua, địa phương đã lần lượt chi trả hỗ trợ các đợt cho ngư dân theo Quyết định 772 của Chính phủ. Ngay sau khi có thông tin nguyên nhân cá chết và Chính phủ sẽ có hỗ trợ tiếp theo cho ngư dân, địa phương đã vận động bà con ổn định tâm lý tiếp tục bám biển sản xuất và chủ động rà soát lại số lượng các hộ bị ảnh hưởng từ nghề biển cũng như số hộ dân bị thiệt hại về nuôi trồng cá lồng vùng cửa biển, nhằm đảm bảo hỗ trợ đến tận tay người dân”.

Ông Trần Văn Lập, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: “Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ chỉ đạo các hội nông dân cơ sở tiếp tục tham gia thực hiện chức năng giám sát các nguồn hỗ trợ từ Trung ương cũng như của tỉnh, đảm bảo đúng đối tượng và sử dụng nguồn hỗ trợ hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các đối tượng được hỗ trợ không chỉ trong lĩnh vực nghề biển mà còn các ngành nghề khác bị ảnh hưởng từ việc thiệt hại do môi trường biển”.

Phục hồi hệ sinh thái

“Về lâu dài, Sở NN&PTNT kết hợp các cơ quan hữu quan sẽ đánh giá lại toàn bộ sự tổn thương của hệ sinh thái tảo biển, san hô và vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh. Qua đó, sẽ có chính sách phục hồi lại hệ sinh thái bằng cách tạo môi trường cho tảo, rong biển phát triển; cấy lại san hô; thả nguồn giống tái tạo thủy, hải sản”, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.

Theo ông Lập, công bố nguyên nhân cá chết, hỗ trợ bước đầu là điều đáng quý, thể hiện sự minh bạch, kịp thời của Chính phủ. Về lâu dài, Hội Nông dân tỉnh sẽ chỉ đạo các trung tâm dạy nghề của hội cùng vào cuộc với các ban ngành địa phương, nghiên cứu và tham mưu lựa chọn chuyển đổi ngành nghề phù hợp với các đối tượng; định hướng cho người dân các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở vùng nông thôn.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: “Trước mắt, sở sẽ cùng với các địa phương rà soát, thống kê lại những đối tượng bị thiệt hại trong vụ cá chết bất thường vừa qua để có cơ sở đền bù, hỗ trợ thỏa đáng, đúng đối tượng. Trong đó, sẽ phối hợp với các ngành không chỉ trong lĩnh vực ngư nghiệp mà còn dịch vụ, du lịch nhằm có sự đánh giá tổng thể, khách quan. Sở đang xây dựng đề án khôi phục sinh kế cho ngư dân, tham mưu cho UBND tỉnh có những chính sách phù hợp. Mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản; cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ để giúp ngư dân vươn khơi, đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm bền vững; hỗ trợ sinh kế, ổn định cuộc sống 6.000 hộ ngư dân với 30.000 nhân khẩu”.

NGUYỄN KHÁNH - HẢI TRIỀU