Tham dự có UVTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Cục Ngoại vụ, đại diện các tổ chức quốc tế gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu, Anh, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore. Phía tỉnh có các ông: Lê Trường Lưu, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các PCT UBND tỉnh; lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương liên quan và khoảng hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Phát biểu chào mừng tại tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nêu bật những tiềm năng, thế mạnh của Thừa Thiên Huế, qua đó, khẳng định Thừa Thiên Huế là điểm đến, môi trường đầu tư lý tưởng. Lãnh đạo tỉnh và các ban ngành luôn chào đón các nhà đầu tư đến Huế tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Khẳng định một lần nữa về những tiềm năng, thế mạnh mà Thừa Thiên Huế sẵn có, là điều kiện cần và đủ để thực hiện các dự án đầu tư, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nói, Thừa Thiên Huế không chỉ có hai di sản được công nhận, mà còn có các danh hiệu đã được công nhận và biết đến như “Thành phố xanh quốc gia”, “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”… Các thế mạnh khác về biển, núi, giao thông thuận lợi, là một trong ba trung tâm kinh tế lớn của cả nước, là trung tâm đào tạo đội ngũ bác sỹ, kỹ sư, thợ lành nghề…. cũng được Thứ trưởng đề cập.
Để các nhà đầu tư nắm cụ thể hơn từng tiềm năng, thế mạnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Đình Khánh trong phần trình bày tại tọa đàm đã minh họa bằng những hình ảnh sinh động, cộng với giải thích, giới thiệu các địa điểm, tiềm năng, khu vực, lĩnh vực cần kêu gọi đầu tư. Ông Lê Đình Khánh cũng không quên giới thiệu đến những nhà đầu tư lớn, với những dự án đã thực hiện mang lại hiệu quả tốt như Khu du lịch cao cấp Laguna, Big C, Carlsberg…
Tuy thế, Thừa Thiên Huế còn khá nhiềm tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác, như khu Bạch Mã, đầm phá, bờ biển trải dài, các ngành công nghiệp công nghệ cao, ngành hàng phụ trợ…
Điểm đến đầy hứa hẹn
Sau khi nghe phần trình bày của lãnh đạo tỉnh, Bộ Ngoại giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các nhà đầu tư, lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Anh, Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức,.. hứa hẹn sẽ trở lại Huế để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và giới thiệu với các nhà đầu tư khác.
Ông Michael Behrenz, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cho hay đã đến Việt Nam đầu tư cách đây hơn hơn 20 năm. Quá trình làm việc, tiếp xúc, tìm hiểu về Huế, ông cho rằng, Huế cần đầu tư phát triển dịch vụ du lịch về khám chữa bệnh, liên kết trong đào tạo với các nước châu Âu để nâng cao vị thế các lĩnh vực có thế mạnh này và khẳng định khi về nước, sẽ giới thiệu về Huế để những nhà đầu tư khu vực này nắm thông tin.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh Chris Jeffery cũng có thời gian dài đến Việt Nam và Huế nên khá am hiểu về môi trường đầu tư, những thế mạnh Huế đang có. Theo ông Chris Jeffery, các doanh nghiệp ở Anh có thể đầu tư vào Huế ở các lĩnh vực tài chính và giáo dục để người dân Huế có nhiều cơ hội hưởng lợi hệ thống giáo dục của Anh. “Những lĩnh vực kinh doanh mà chúng tôi phát triển trong thời gian qua đã khẳng định mối quan tâm của các nhà đầu tư Anh với Việt Nam. Chúng tôi luôn mong muốn qua buổi tọa đàm sẽ có nhiều doanh nghiệp Anh đến Huế”, ông Chris Jeffery nói.
Phát biểu của doanh nghiệp nước ngoài
Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Đức Marko Walder khuyến nghị, Huế nên quan tâm đến lĩnh vực đào tạo con người, nhất là ở các lĩnh vực công nghệ cao, khi có doanh nghiệp khá lớn ở nước này đang muốn đến miền Trung đầu tư nhà máy. Ông Marko Walder thông tin, hiện nhà đầu tư chưa chọn tỉnh nào song nếu Huế đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp, khả năng chọn Huế là trong tầm tay, khi địa phương này đang có những lợi thế có các trường đại học lớn.
Một số hiệp hội doanh nghiệp khác, như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản cũng đánh giá cao môi trường đầu tư ở Huế và khẳng định, sau buổi tọa đàm sẽ xúc tiến đầu tư ở các doanh nghiệp trong nước. Trong đó, Hàn Quốc quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, Nhật Bản quan tâm hệ thống xử lý nước thải phù hợp với việc phát triển, tăng trưởng xanh, hệ thống năng lượng thân thiện với môi trường…
... và doanh nghiệp đã đầu tư tại Thừa Thiên Huế
Kết luận tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cảm ơn các ý kiến, đề xuất của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp, phòng thương mại và công nghiệp về các lĩnh vực mà Huế cần đầu tư phát triển. Qua đó, khẳng định lãnh đạo tỉnh và các sở ngành liên quan luôn tạo điều kiện tốt nhất để chào đón, mời gọi các nhà đầu tư đến Huế. Thừa Thiên Huế sẽ không ngừng đổi mới, cách cải thủ tục hành chính, vận dụng những cơ chế, chính sách tốt nhất cho nhà đầu tư thuận tiện triển khai dự án.
Sau tọa đàm, các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp các nước… chia thành từng nhóm theo từng lĩnh vực quan tâm, như: du lịch dịch vụ, bất động sản, hạ tầng các khu công nghiệp, các lĩnh vực kinh tế khác… để gặp gỡ, trao đổi những thông tin quan tâm về môi trường đầu tư, việc tiếp cận đất đai, thủ tục… Theo ghi nhận, tại các phòng, các nhà đầu tư bước đầu đã tìm hiểu, trao đổi một số thông tin liên quan đến việc đến Huế đầu tư trong thời gian tới. Tại phòng xúc tiến đầu tư về lĩnh vực du lịch dịch vụ, có doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng khách sạn liên doanh. Phòng bất động sản, có doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo. Phòng hạ tầng các khu công nghiệp, doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư nhà máy đóng tàu… |
Bài, ảnh: Tâm Huệ