Từ các công trình trọng điểm
Trong 5 năm, từ 2005-2010, sự phát triển về KT-XH đem lại những cú hích quan trọng trong việc xây dựng và chỉnh trang diện mạo, cảnh quan của Hương Trà. Với những thành quả đạt được, Hương Trà tiếp tục xác định đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy quá trình đô thị hóa của địa phương; đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Chỉ tính từ năm 2007 đến 2010, nguồn vốn huy động và tập trung cho chương trình phát triển đô thị của địa phương đã đạt trên 70 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2011, thị xã tập trung đầu tư nhiều công trình quan trọng, như: đường dọc sông Bồ, hệ thống giao thông liên hoàn, mở rộng không gian đô thị của Tứ Hạ, như đường Độc Lập, đường nối An Lỗ với đường phía Tây Huế; các tuyến đường Tứ Phú đi Hương Văn, đường Kim Trà... Bên cạnh các công trình giao thông đã và đang triển khai, để diện mạo đô thị Hương Trà ngày càng văn minh, hiện đại, trong đề án phát triển đô thị thời gian tới, thị xã có thêm nhiều dự án như: nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 16 nối Tứ Hạ - Bình Điền; Quốc lộ 49 qua Bình Thành, Hương Thọ, Bình Điền lên A Lưới; xây dựng tuyến đường Cam Lộ - Túy Loan qua 6 xã Hương Vân, Hương Văn, Hương Hồ, Hương Xuân, Hương Chữ và Hương An. Đặc biệt, Hương Trà đã đề xuất chỉnh trang, mở rộng tuyến Quốc lộ 1A từ Huế ra An Lỗ. Tương lai, khi dự án được triển khai, diện mạo Hương Trà nói riêng, tỉnh nhà nói chung sẽ khang trang, hiện đại hơn, tạo được điểm nhấn đô thị trong chùm đô thị vệ tinh của thành phố tương lai.
Tập dượt chuẩn bị cho ngày thành lập thị xã
Trong chiến lược phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, Hương Trà được xác định là một trong những đô thị vệ tinh của TP Huế, với chức năng trung tâm thương mại, dịch vụ; trung tâm công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực; với tiềm năng về dự trữ quỹ đất và giãn dân cho TP Huế; trở thành khu vực phát triển công nghiệp và vành đai xanh… |
Bên cạnh việc đầu tư mở rộng đường, hệ thống thoát nước đô thị, đến nay, hệ thống chiếu sáng và hệ thống xử lý rác thải ở một số địa phương cũng được chú trọng đầu tư, hoàn chỉnh. Hệ thống chiếu sáng công cộng ở 4 xã Hương Văn, Hương Chữ, Hương Xuân và Bình Điền đang triển khai xây dựng với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Nhiều khu đô thị mới được hình thành, đáp ứng nhu cầu về nhà ở trong quá trình đô thị hóa. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa ở các phường dọc Quốc lộ 1A và các phường giáp ranh với TP Huế chuyển biến khá nhanh về mọi mặt.
Đến Hương Trà, chúng ta dễ dàng nhận ra sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp-dịch vụ đang rất sôi động nơi đây. Nhà máy xi măng Kim Đỉnh thu hút hơn 1.500 lao động thường xuyên và hàng ngàn lao động phụ trợ khác; cụm công nghiệp Tứ Hạ trong năm qua đã thu hút trên 1000 lao động. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng đạt trên 35% năm 2011; thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1.170 USD/năm, tương ứng so với mức bình quân của cả nước…
Những vấn đề đặt ra
Được xác định là một thị xã trong chùm đô thị vệ tinh, Hương Trà sẽ phát huy mạnh mẽ chức năng trung tâm đô thị phía Bắc của tỉnh; tạo ra động lực mới cho sự phát triển, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa cho vùng, tỉnh và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà: “Để tiếp tục chỉnh trang đô thị, xây dựng thị xã Hương Trà theo hướng văn minh hiện đại, trong thời gian tới, Hương Trà tập trung thực hiện một số nội dung về phát triển không gian đô thị. Đô thị Hương Trà mở rộng không gian chủ yếu về phía Đông, Đông-Nam và phía Tây-Nam. Phía Đông và Đông - Nam, phát triển dọc theo sông Bồ và tuyến Quốc lộ 1A; phía Nam và phía Tây - Nam, phát triển dọc đường phía Tây TP Huế và đường liên vùng nối Tứ Hạ với Bình Điền”.
Hương Trà cũng chú trọng việc chỉnh trang, cải tạo, xây dựng các khu đô thị mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo điểm nhấn trong mở rộng không gian đô thị như: khu đô thị Tứ Hạ - Hương Văn (29,7ha), khu đô thị Ruộng Cà - Hương Văn (14ha), khu đô thị Động Kiều - Hương Hồ (28ha), khu đô thị Hương An (11ha)... Thực hiện tốt công tác quản lý đô thị theo quy hoạch; từng bước xã hội hóa dịch vụ đô thị, công tác vệ sinh môi trường, xây dựng đô thị theo hướng văn minh “xanh-sạch-đẹp”. Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư phát triển đô thị Hương Trà 5 năm tới cần khoảng 3.000 tỷ đồng.
Nói về giải pháp cho việc xây dựng và phát triển đô thị, ông Nguyễn Xuân Ty cho biết: “Trước mắt, Hương Trà tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng; tập trung phát triển SX, đẩy mạnh phát triển CN-TTCN; triển khai thực hiện các quy hoạch- dự án đầu tư sản xuất và lấp đầy diện tích khu, cụm công nghiệp; có cơ chế ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực; chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ. Xây dựng các điểm và vùng trung tâm thương mại- dịch vụ- du lịch góp phần tạo động lực phát triển đô thị. Tạo dựng nguồn lực phát triển đô thị từ chính nội lực; đẩy mạnh xây dựng hạ tầng đô thị đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về quy hoạch và thực hiện quy hoạch... Cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương, Hương Trà rất cần sự quan tâm đầu tư từ các nguồn vốn mục tiêu của ngân sách Trung ương và tỉnh để đến gần hơn với những mục tiêu mà Đảng bộ và nhân dân thị xã nhà đang phấn đấu”.
Liên Minh
Ông Lê Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Hồ:
“Cú hích” để phát triển toàn diện
Hòa chung với khí thế vui mừng, phấn khởi của người dân Hương Trà nói chung và phường Hương Hồ nói riêng, chúng tôi cho rằng “lên thị xã” là “cú hích” để Hương Trà phát triển toàn diện trên các mặt. Qua đó, phường Hương Hồ cũng sẽ có điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng khang trang hơn; đời sống kinh tế xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Vì vậy, ngay từ khi Hương Hồ được đưa vào diện “quy hoạch” từ xã lên phường, địa phương đã chú trọng công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị để sớm đưa Hương Hồ theo kịp đà phát triển chung của thị xã và của tỉnh. Đặc biệt, địa phương đang phối hợp với các ban ngành xây dựng quy hoạch tổng hợp và quy hoạch chi tiết tổng thể phát triển KT-XH, cơ sở hạ tầng theo hướng phát triển đô thị mới.
L. M (ghi)
Ông Lê Tựu, Trưởng thôn Giáp Ba, phường Hương Văn:
Niềm mong mỏi của người dân chúng tôi đã thành hiện thực
Trở thành những thị dân, bà con chúng tôi rất phấn khởi và tự hào. Với vinh dự đó, mọi người đều bảo nhau cố gắng xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đường phố phường phải khang trang sạch đẹp. Nằm trong khu vực quy hoạch thị trấn Tứ Hạ mở rộng, thời gian qua, cùng với phường Hương Văn, thôn Giáp Ba đã có nhiều đổi thay về mọi mặt. Từ năm 2011 đến nay, nhiều gia đình đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm thêm nhiều phương tiện phục vụ sản xuất – kinh doanh; góp phần từng bước hình thành nên diện mạo đô thị. Nếu trước đây, bà con chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp thì nay, nhiều hộ dân đã mạnh dạn “tận dụng” ưu thế nhà “mặt tiền” quốc lộ để chuyển hướng sang phát triển dịch vụ. Mặt khác, nơi đây là khu vực gần chợ, nên người dân có điều kiện phát triển, giao lưu với các địa phương lân cận.
Minh Quân (ghi)
Ông Nguyễn Chí Cảm, Giám đốc Công ty TNHH Tân Bảo Thành:
“Cơ hội vàng” để phát triển
Là doanh nghiệp chuyên về xây dựng, chúng tôi rất vui mừng trước vận hội mới của Hương Trà và xem đây là “cơ hội vàng” để phát triển. Với các công trình, dự án đơn vị đã và đang thi công, chúng tôi mong muốn góp một phần làm đổi thay “bộ mặt” Hương Trà. Không riêng Tứ Hạ, tốc độ đô thị hóa hiện nay của các phường dọc Quốc lộ 1A và các phường giáp ranh TP Huế chuyển biến khá nhanh về mọi mặt. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư khá đồng bộ theo hướng đô thị hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư; mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Việc xây cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang nâng cấp đô thị sẽ thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại; mở mang các ngành nghề sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho con em địa phương, góp phần đưa Hương Trà phát triển xứng tầm thị xã.
L.Minh (ghi)
|
Đô thị Hương Trà ngày càng khang trang