Đáy biển và các bến cảng gần nhà máy Fukushima vẫn còn bị nhiễm độc nặng​. Ảnh: AFP

Trước đó, Nhật Bản đã đóng cửa hàng chục lò phản ứng sau khi một trận động đất mạnh 9 độ richter kèm theo sóng thần gây ra thảm họa nghiêm trọng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima vào ngày 11/3/2011, khiến đại dương bị ô nhiễm phóng xạ ở mức chưa từng thấy.

Trong những ngày sau trận động đất và tai nạn hạt nhân ở Fukushima, nước biển được dùng để làm nguội các lò phản ứng đã nhiễm phóng xạ nghiêm trọng và phát tán theo các dòng hải lưu.

5 năm sau, báo cáo của Ủy ban khoa học nghiên cứu đại dương, trong đó tập hợp nhiều chuyên gia đại dương từ khắp nơi trên thế giới cho biết, các chất phóng xạ đã lan đến tận bờ biển nước Mỹ.

Nhưng khi phân tích dữ liệu từ 20 nghiên cứu phóng xạ, các nhà khoa học nói rằng, mức độ phóng xạ ở Thái Bình Dương đã nhanh chóng trở lại bình thường so với mức cao hàng chục triệu lần sau thảm họa.

"Ví dụ như trong năm 2011, khoảng một nửa số mẫu cá ở các vùng nước ven biển gần Fukushima có nồng độ phóng xạ ở mức nguy hiểm. Tuy nhiên đến năm 2015, con số này đã giảm xuống ít hơn 1%", ông Pere Masque, đồng tác giả báo cáo của Ủy ban khoa học nghiên cứu đại dương cho hay.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, đáy biển và các bến cảng gần nhà máy Fukushima vẫn còn bị nhiễm độc nặng sau tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.

"Việc giám sát mức độ phóng xạ và sinh vật biển trong khu vực đó cần phải được tiếp tục", ông Masque, một giáo sư tại Đại học Edith Cowan ở Tây Úc nói thêm.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP & Japan Times)