Vườn tiêu gia đình bà Én phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế

Tiết trời đang nắng nóng nhưng đi giữa những hàng tiêu thẳng tắp, lớp lá xanh tươi tốt và ken dày những chùm tiêu sai hạt, lòng tôi thấy mát dịu. Vợ chồng bà Én biết đến cây tiêu từ những ngày đầu lên định cư ở xã Lộc Hòa cách đây 15 năm, ông bà có vườn tiêu gần 300 gốc đến nay có 80 % gốc vào tuổi thu hoạch. Kinh nghiệm trồng tiêu được vợ chồng bà tích lũy dần qua thời gian từ việc tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, như khâu chuẩn bị  trụ trồng tiêu, ươm giống, làm đất, bón phân. Nhiều năm nay, vợ chồng bà Én thường xuyên có nguồn thu ổn định từ vườn tiêu; bình quân mỗi vụ thu hoạch từ 1-2 tạ tiêu khô, giá tiêu dao động từ 200.000-250.000 đồng/kg, thu lãi gần 100 triệu đồng.

Theo bà Én, muốn cây tiêu phát triển tốt, phải nắm kỹ cách chăm bón khi xuống giống đến hai ba năm đầu. Trường hợp khi tiêu bệnh, cần xử lý theo phương pháp tổng hợp, xem kỹ khâu làm đất, bón phân đúng kỹ thuật và yếu tố không bỏ qua là tạo mương thoát nước không để cây tiêu bị ngập úng.

Từ vườn tiêu, vợ chồng bà có điều kiện đầu tư chăn nuôi, trồng các loại cây trồng khác như chè, xen canh cây ăn quả, đào ao nuôi cá mè, trắm, rô phi và thả vịt đàn. Từ đồng vốn tích lũy được, vợ chồng bà trồng thêm rừng keo, tràm... Bà Én cho biết: “Hiện nay, vợ chồng tôi đã lớn tuổi nên việc chăm lo vườn tược đã có kế hoạch giao lại cho con cái. Hy vọng trên nền tảng bố mẹ tạo dựng, các cháu sẽ phát huy, đầu tư chăn nuôi trồng trọt theo hướng vườn, ao, chuồng tập trung, hiệu quả hơn”.

Ông Nguyễn Hữu Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa cho biết: Gia đình bà Trần Thị Én là một trong những điển hình tiêu biểu vượt khó, vượt nghèo ở địa phương. Hiện, ở Lộc Hòa, mô hình trồng tiêu không phải ít. Thế nhưng, hiệu quả kinh tế như vườn tiêu của bà Én là rất hiếm, đáng học tập và nhân rộng ở địa phương.

Minh Văn