Rau rừng được bày bán ở chợ A Lưới

Vượt suối tìm rau

Nhắc đến khe Vinh Hưng (thôn Vinh Hưng, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông) người dân thường kể về câu chuyện xà lách xoong giúp họ thoát nghèo. Trước đây, loại rau rừng này là “của quý” nơi núi rừng Thượng Quảng, được sử dụng làm thực phẩm chống đói của bộ đội Trường Sơn. Và thật lạ, ở Nam Đông, xà lách xoong chỉ mọc ở khe Vinh Hưng. Khi bộ đội rời núi rừng để lại dấu chân cùng với những khoảnh rau xanh ngắt nằm bên khe suối, bà con thôn bản “tiếp cận” món đặc sản này đưa về với bữa cơm gia đình. Thứ thực phẩm tưởng chừng chỉ để chống đói nhanh chóng có mặt tại các nhà hàng. “Loại rau này được các tiểu thương ưa chuộng, thu mua nhập cho các nhà hàng của thành phố Huế và Đà Nẵng. Chính vì thế, trước đây bà con đi hái rau bán cho tiểu thương có ngày thu về đến 5 phân vàng”, ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng hé lộ.

Muốn tường tận loại rau “bán ra vàng” này, chúng tôi cùng ông Phan Văn Thịnh (thôn Vinh Hưng) vượt vài con dốc đến khe Vinh Hưng. Bên dòng nước mát mà người dân thường gọi là dòng nước mội của khe suối, những khoảnh rau xanh mơn mởn như một thảm thực vật còn nguyên bản. “Xà lách xoong chỉ sống cạnh dòng nước mội, chúng mọc tự nhiên chứ không thể trồng. Hơn 10 năm trước, khi rau còn nhiều, mỗi ngày bà con cắt được hơn 1 tạ. Bây giờ, một tuần chỉ cắt được vài chục cân. Loại rau ni thơm ngon ai cũng ưng”, ông Thịnh chia sẻ.

Xà lách xoong mọc thành từng thảm tại khe Vinh Hưng

Ở miệt núi Nam Đông, xà lách xoong không phải là loại rau “quý” duy nhất mọc ở khe suối. Chúng tôi được Ta Rương Kít (xã Thượng Long, huyện Nam Đông) giới thiệu về rau a rui, mọc trên những tảng đá bên các dòng suối. “Muốn hái được a rui phải đi về phía vùng đất giáp Quảng Nam, cuốc bộ 2 ngày chỉ hái được 10-20 cân. Không phải tảng đá mô rau ni cũng mọc, nó chỉ mọc ở đá có dòng nước mội chảy qua”, Kít bày tỏ.

Theo Ta Rương Kít, a rui hay xà lách xoong chưa phải là loại rau có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trên các đỉnh núi, loại măng a xir to bằng ngón chân cái, đốt dài là loại cây có giá trị cao. “Có 2 loại măng rừng mà đồng bào dân tộc ưng nhất là măng o rang và măng a xir. So với o rang, măng a xir có giá trị hơn nhiều lần. Vào khoảng tháng 9, măng a xir mọc ở các đỉnh núi, rất khó để hái. Ngoài là món ăn ưa thích, loại này khi cây già còn dùng làm cần rượu và đan các loại nia rất chất lượng”, Ta Rương Kít cho biết.

Lên ngôi

Tại chợ Nam Đông hay dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn từ xã A Ngo đến trung tâm huyện A Lưới, những gùi rau rừng đủ loại được người dân trong vùng bày bán ven đường. Cảnh người mua nhộn nhịp, chọn cho mình từng bó rau ưa thích khiến chúng tôi tò mò. Rau rừng được bán nhiều nhất chủ yếu vào buổi sáng ở chợ Nam Đông và buổi chiều ở bên trong chợ A Lưới. Có hai loại rau rừng thông dụng được người sành ăn chọn mua nhiều đó là xà lách xoong và rau rớn. “Mua đi mọi người ơi, có thể chế biến cùng với nhiều món thực phẩm khác, ăn vào mát ruột, ngon lắm”, một người bán mời chào chúng tôi ở chợ A Lưới. Giá một bó rau rớn hoặc xà lách xoong giao động từ 7.000 – 10.000 đồng.

“Ở Nam Đông nói riêng và vùng núi nói chung có các loại rau rừng phổ biến, như xà lách xoong, rau rớn, bắp chuối…. Chúng mọc hầu như quanh năm ở các khe suối, sườn núi. So với các loại rau thông thường, rau rừng có giá trị kinh tế gấp 3 lần. Hiện nay, việc tiêu thụ rau rừng trực tiếp từ người hái đến các nhà hàng hầu như không có mà chủ yếu được bày bán ở các chợ”, ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông cho biết.

Chị Hồ Thị Thêm, người có nhiều năm bán rau rừng ở chợ A Lưới cho biết, rau rừng hầu hết mọc dọc bìa rừng, nhiều nhất và ngon nhất chủ yếu rau mọc trên những tảng đá, ven bờ suối có dòng nước mát, dưới tán rừng cao tránh được ánh nắng. Do khí hậu mát mẻ nên quanh năm luôn có rau. “Tại A Lưới, rau rớn được xem là “vua” của các loài rau. Bởi đây chính là đặc sản để đãi khách lên A Lưới cũng như là sản phẩm du lịch ẩm thực của đồng bào”, chị Thêm cho hay.

Nổi tiếng nhờ hương vị ngon, giòn, được người dùng ưa thích nên nhiều thương lái ở TP Huế lên miệt núi “săn” các loài rau rừng về bán. Những loại rau này có cách chế biến đơn giản, nhưng hấp dẫn với người sành ăn. Xà lách xoong, măng rừng có thể xào với thịt bò, thịt hộp; rau rớn còn có thể luộc, nấu canh… Anh Nguyễn Vinh Lân, chủ một nhà hàng ở TP Huế chuyên nhập rau rừng phục vụ cho thực khách kể, hương vị rau rừng mang đặc trưng riêng từ cái nhìn ban đầu với vẻ lạ kỳ, tươi nguyên chưa qua chế biến cho đến hương vị ngon, ngọt khi ăn. “Vừa sạch, vừa ngon, vừa bổ dưỡng và đặc biệt là rau mọc tự nhiên, không có bất kì tác động của bàn tay con người nên ai cũng thích”, anh Lân nói về xu hướng người ăn khi chọn rau rừng.

Rau rừng mọc quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa đông. Do vậy, vào những tháng du lịch cao điểm mùa hè, người hái phải đi vào tận rừng sâu, tìm ở những bờ suối mát mới “thu hoạch” được số lượng lớn. Nhờ rau rừng, bà con nơi miền rẻo cao có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.

Bài, ảnh: THỌ THÀNH