Đặt tiêu chí môi trường làm trọng

 

Cái được ở KCN Phú Bài là khâu tiếp nhận các dự án đăng ký đầu tư được thực hiện một cách thận trọng. Đối với những dự án có mức độ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm trước mắt và lâu dài thì đơn vị có thẩm quyền sẵn sàng từ chối tiếp nhận.

 

Phần lớn, các dự án tại KCN Phú Bài hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như gia công, may mặc, sợi, nên vấn đề gây ô nhiễm về khí thải như khói, bụi từ các cơ sở sản xuất chưa đáng quan ngại, mà quan trọng nhất là nguồn nước thải. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, hầu hết nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất tại KCN Phú Bài chưa qua xử lý đều được thải trực tiếp ra môi trường, mà nơi hứng chịu lượng nước thải ô nhiễm này là sông Phú Bài. Cuối năm 2009, nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Phú Bài có công suất xử lý giai đoạn 1 là 4.000 m3/ngày đêm, được chính thức đưa vào vận hành đã đánh dấu một bước thay đổi tích cực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) cho KCN nói riêng và cho hàng trăm hộ dân sống ven sông Phú Bài nói chung.

 

 

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Phú Bài đang xử lý lượng nước thải hơn 2.500 m3/ngày đêm

 

Anh Trần Vũ Mẫn, chuyên viên phòng Kế hoạch- Kinh doanh, phụ trách môi trường KCN- Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển hạ tầng KCN (gọi tắt Công ty ĐTHT) cho biết, đến nay, đơn vị đã ký hợp đồng thu gom xử lý nước thải với 21 công ty trong KCN với khối lượng khoảng 2.500 m3/ngày đêm. Từ sau khi đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải, do hệ thống đường ống thu gom nước mưa và nước thải được Công ty ĐTHT quản lý; việc thu phí xử lý nước thải được đơn vị thực hiện căn cứ vào hóa đơn sử dụng nước sạch từ Công ty TNHH NNMTV Đầu tư và Cấp nước Thừa Thiên Huế, nên không xảy ra tình trạng các cơ sở sản xuất thải trộm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

 

Hiện nay, các đơn vị sản xuất tại KCN Phú Bài đã hợp đồng với Công ty ĐTHT hoặc Công ty TNHH NNMTV Môi trường và Công trình đô thị Huế để thu gom, vận chuyển rác thải về bãi xử lý rác Thủy Phương. Đối với chất thải nguy hại, với lượng phát thải chưa lớn, nên tạm thời, BQL các KCN tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng bể chứa hoặc địa điểm chứa chất thải nguy hại và hợp đồng vận chuyển xử lý đảm bảo quy định.

Không chỉ làm ngày một ngày hai

 

Dù đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhưng hai năm nay, người dân ở các thôn 2, 7, 5, 9 xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) thỉnh thoảng vẫn phản ánh, khiếu kiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Phú Bài. Ông Lê Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Phù thông tin. Theo ý kiến những hộ dân sống gần khu vực sông, nếu nhà máy xử lý nước thải của KCN được vận hành xử lý thường xuyên thì không lý gì nước sông bị nhiễm đen và bốc mùi khó chịu. Qua theo dõi của người dân, vào những lúc trời mưa to, nước thải từ KCN Phú Bài chưa qua xử lý được thải trực tiếp qua hói ông Thơ, chảy ra và đọng lại những mảng bùn đen kịt trên sông Phú Bài.

 

Lý giải thực trạng trên, anh Trần Vũ Mẫn cho rằng, do bước đầu vận hành, nên thỉnh thoảng xảy ra sự cố xì đường ống. Khi xảy ra tình trạng trên, đơn vị đã tập trung hết nhân lực, vật lực để khắc phục kịp thời. Một số đơn vị sản xuất có khối lượng nước thải lớn, nhưng hệ thống xử lý sơ bộ không đảm bảo, gặp khi có lưu lượng mưa lớn đã xảy ra tình trạng chảy tràn theo nước mưa trực tiếp ra sông Phú Bài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Năm 2012, BQL các KCN tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ BVMT: 100% cơ sở sản xuất được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đã qua xử lý sơ bộ đảm bảo tiêu chuẩn cho phép; 100% doanh nghiệp đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; 100% doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường về khí thải, chất thải, nước thải định kỳ 2 lần/năm; đảm bảo duy trì tốt tỷ lệ cây xanh trong KCN và trong từng nhà máy; thu gom triệt để, kịp thời rác thải và lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại đảm bảo quy định...

Theo đánh giá của ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, qua các đợt kiểm tra, quan trắc môi trường tại nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Phú Bài, hiệu quả xử lý đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu thiết kế, các chỉ số nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, quy trình vận hành nhà máy chưa ổn định do các nguồn thải đổ vào hệ thống chung thiếu ổn định, chưa được xử lý sơ bộ. Để khắc phục tình trạng trên, trước tiên, nước thải tại các cơ sở sản xuất phải được xử lý sơ bộ, đạt tiêu chuẩn theo quy định thỏa thuận của đơn vị xử lý. Bên cạnh đó, phía Công ty ĐTHT phải tập trung hoàn thiện các tuyến đường ống còn dỡ dang, tiến hành đấu nối đường ống đến các cơ sở sản xuất còn lại để khép kín hệ thống nước thải chung; đồng thời vận hành xử lý thường xuyên, đảm bảo tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Bởi, điều này không chỉ tác động đến môi trường về lâu dài tại KCN mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp tưới tiêu cho 2 cánh đồng lúa hơn 620 ha, nhiều diện tích nuôi cá nước ngọt và sự sống của hàng trăm gia súc, gia cầm.

 

Theo quan điểm của ông Phan Quang Vinh, Phó Trưởng BQL các KCN tỉnh. Muốn có môi trường KCN đảm bảo, chính mỗi cơ sở sản xuất phải có ý thức và chấp hành tốt công tác BVMT. Trong năm 2011, đã có 16 doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, kịp thời khắc phục sự cố ô nhiễm. Các doanh nghiệp đã quan tâm cải thiện môi trường sản xuất, đảm bảo tiếng ồn, ánh sáng, khí bụi..., tạo điều kiện cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn. Đặc biệt, với lực lượng hơn 10.000 công nhân thường xuyên lao động, sinh hoạt tại KCN Phú Bài vẫn được kiểm soát tốt.

Hoài Thương